LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Bài 1: Điện gió, điện mặt trời -Lãng phí, cạnh tranh và an ninh hệ thống

17:29 26/09/2022

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng tái tạo đã phản ánh những khó khăn về huy động nguồn, lãng phí nguồn điện.

Ưu tiên nhưng cần cân bằng hệ thống điện

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nguồn điện Việt Nam hiện nay bao gồm thuỷ điện, nhiệt điện than, điện khí, điện dầu và năng lượng tái tạo. Việc huy động các nguồn điện đều đã được thực hiện công khai minh bạch và theo quy định, nguyên tắc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống. Tuy nhiên gần đây, một số nhà đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo kêu khó khăn vì không được huy động lên hệ thống điện quốc gia.

Để giải quyết việc huy động nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu ở miền Trung), Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đề xuất bổ sung nhiều đường dây truyền tải điện từ 110-500kV; Chỉ đạo ngành điện đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải; Ưu tiên tính toán huy động tối đa công suất phát từ các nhà máy năng lượng tái tạo. Và thực tế EVN cũng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết.

Mặt khác, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đã thành lập phòng nghiên cứu dự báo chuyên biệt về năng lượng tái tạo; tính toán và công khai công suất huy động các nguồn điện, trong đó có điện mặt trời và điện gió để các chủ đầu tư nhà máy điện được biết.

Do các thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện truyền tải luôn gặp khó khăn và kéo dài, dẫn đến việc đầu tư các đường dây truyền tải thường chậm hơn tốc độ triển khai của của các dự án điện năng lượng tái tạo. Dẫn đến có thời điểm không thể huy động hết nguồn.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn điện tại Việt Nam cần phải đảm bảo an ninh hệ thống. Duy trì nguồn điện nền và đảm bảo thị trường điện cạnh tranh (thuỷ điện, nhiệt điện), trong khi nguồn năng lượng tái tạo lại phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, và chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng.

Các thông tin về hiện trạng, thách thức của hệ thống truyền tải điện đã được cơ quan chức năng, ngành điện và báo chí thông tin khá nhiều. Chắc chắn rằng các địa phương, các chủ đầu tư đều biết.

Trên thực tế, tổng sản lượng điện tiêu dùng toàn hệ thống mỗi năm đạt khoảng trên 250 tỷ kWh. Hiểu đơn giản, tổng nhu cầu có tăng trưởng nhưng nguồn điện dư thừa và điện là hàng hoá đặc biệt không thể lưu trữ nên không thể huy động quá tổng cầu.

Các yêu cầu của chủ đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo là chính đáng tuy nhiên cần phải xét đến an ninh của hệ thống, tính hài hoà của thị trường điện; yếu tố kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Bởi lẽ chúng ta không thể ưu tiên hết cho một loại hình nguồn điện nào. Đơn giản nếu huy động nguồn điện này cao hơn thì phải giảm nguồn điện kia đi.

Thực tế trong thị trường điện, điện năng lượng tái tạo đã được ưu tiên về giá FIT, không phải tham gia thị trường điện cạnh tranh.


Huy động nguồn năng lượng tái tạo đã công khai
Chia sẻ về việc huy động nguồn năng lượng tái tạo, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc vào thời gian nắng trong ngày (nắng mạnh thì phát nhiều điện, tắt nắng thì không phát điện) nên việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc phụ tải tăng trưởng thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; chênh lệch lớn giữa phụ tải cao điểm và thấp điểm trong ngày cũng gây nhiều khó khăn cho công tác điều độ hệ thống điện. Để bảo đảm an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, A0 không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo vào các giờ phụ tải thấp điểm (buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ, tết).

Riêng đối với điện gió, theo ông Võ Quang Lâm, việc phát điện trong những tháng vừa qua của loại hình năng lượng này cũng cho thấy sự bất ổn. Thời điểm phát tốt nhất của điện gió từ tháng 11 năm trước tới tháng 2 năm sau, những tháng phát thấp nhất lại là các tháng nóng (từ tháng 4 đến tháng 6). Mọi người thường nghĩ điện gió phát đều nhưng không phải. Vào những lúc cần điện gió nhất thì sản lượng điện gió lại thấp nhất.

Về tình trạng cắt giảm huy động nguồn năng lượng tái tạo, đại diện Bộ Công Thương đã giải thích, đây là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống điện. Việc tiết giảm cũng đã được EVN và A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, mặc dù A0 đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất. Do đó, A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn NLTT để bảo đảm giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn thất nghiêm trọng tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sống nhân dân trên cả nước.

Để hạn chế tình trạng cắt giảm huy động công suất nguồn NLTT, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn EVN và A0; trong đó yêu cầu EVN và A0 tính toán, công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng, miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết... tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ. Đồng thời, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 478/QĐ-BCT ngày 9-2-2021 về việc dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn NLTT trong hệ thống điện.

Cần đánh giá tổng thể, khách quan

Một vấn đề được nhiều địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia đề cập là sự lãng phí nguồn lực xã hội khi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo; Không huy động hết nguồn điện năng lượng tái tạo là lãng phí.

Phải thừa nhận rằng có sự lãng phí nhưng cần nhìn nhận một cách khách quan. Câu hỏi đặt ra là, các doanh nghiệp có tính đến bài toán lợi ích, cân nhắc rủi ro khi tham gia đầu tư năng lượng tái tạo hay không?

Và các địa phương khi phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có tính đến quy hoạch nguồn và lưới điện của tỉnh hay không? Có xem xét trong quy hoạch quốc gia hay không hay mạnh ai nấy làm; hoặc chủ yếu xem các chỉ tiêu về thu hút đầu tư nhiệm kỳ?

Các doanh nghiệp đã làm đúng chính sách pháp luật hay chưa? Và liệu có câu chuyện “tế nhị” lợi ích ở đây không? Câu chuyện có thể sẽ được làm rõ trong các kết luận thanh tra của Chính phủ và tới đây là chuyên đề giám sát của Quốc hội.

Có một thực tế rằng, Quy hoạch điện lực Quốc gia là một quy hoạch khó và chắc chắn không thể làm hài lòng 100% các nhà đầu tư mà phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, do đó việc tính toán cân nhắc kỹ lưỡng là điều các cơ quan chức năng phải làm.

Mặt khác, do những yếu tố chủ quan, khách quan (quy trình thủ tục lấy ý kiến và trách nhiệm thực sự của các Bộ/ngành trong xây dựng chính sách…) nên chúng ta thường thấy đôi khi chính sách thường đi chậm hơn so với thực tế. Và còn nhiều sự chồng chéo, không đồng bộ giữa các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong đầu tư, huy động nguồn điện đã bàn thảo khá nhiều, có nhiều giải pháp được đưa ra khách quan, không tư lợi. Nhưng nếu chiếu theo các văn bản chỉ đạo “thực hiện đúng quy định của pháp luật” thì chắc chắn không ai dám làm sai quy định.

Có thể thấy, việc quy trách nhiệm sẽ dễ dàng hơn việc dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

(Còn nữa)
N.Vũ