LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Bài 2: Quốc tế đánh giá thế nào về năng lượng tái tạo Việt Nam?

17:31 26/09/2022

Các chuyên gia quốc tế đánh giá, năng lượng tái tạo Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trên thế giới.

Bước nhảy vọt
Điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã manh nha từ hơn 10 năm trước, song nó chỉ thực sự “bùng nổ” sau khi có cơ chế khuyến khích giá FIT từ Chính phủ từ năm 2017 trở lại đây (Quyết định 11-13/QĐ-TTg về điện mặt trời; Quyết định 37-39 QĐ/TTg về điện gió). Đặc biệt, điện năng lượng tái tạo đã thu hút được lượng lớn nguồn vốn FDI và tư nhân. Chỉ tính riêng năm 2021, việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI.

Từ chỗ chỉ có dưới 10MW năng lượng tái tạo, nhưng đến cuối năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo cả nước đã đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.

Cụ thể, về điện gió, Việt Nam có 70 dự án với tổng công suất đạt 3.987 MW đã đưa vào vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021, tương đương 1,3% sản lượng toàn hệ thống. Về điện mặt trời, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021.

Hiện, hàng tháng, sản lượng điện huy động từ nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) bình quân đạt khoảng trên dưới 24 tỷ kWh, chiếm 13,7%, có thời điểm đạt trên 16%, cao hơn huy động từ nguồn điện khí.


Điện gió và điện mặt trời chủ yếu ở miền Trung
Các dự án năng lượng tái tạo quy mô chủ yếu đầu tư ở những nơi khó khăn, khi đi vào hoạt động đã làm thay đổi bộ mặt và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều địa phương như Ninh Thuận, Quảng Trị, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam Bộ thông qua nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, đầu tư hạ tầng, phát triển các ngành dịch vụ…Bên cạnh nguồn lợi từ sản xuất điện, năng lượng tái tạo còn góp phần thực hiện thành công chiến lược chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế xanh, bền vững; bảo vệ môi trường, hiện thực hoá cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vượt Thái Lan, dẫn đầu Đông Nam Á

Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về chuyển dịch năng lượng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo, vượt xa mục tiêu đề ra trong các chiến lược.

Từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió.

Năm 2021, Việt Nam trở thành nước sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ 10 trên thế giới và là nước duy nhất ở châu Á mà lượng điện gia tăng từ mặt trời vượt mức nhu cầu điện tăng thêm trong năm 2021.

Đầu năm 2022, tổ chức Ember (của Anh) công bố, trong 50 quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng điện gió và điện mặt trời nhanh nhất, Việt Nam là một trong 7 quốc gia lần đầu tiên lọt vào danh sách này.

Chuyên gia quốc tế đánh giá như thế nào?

Khi đánh giá về những thành tựu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết: Đây là một thành tựu tuyệt vời và rất ấn tượng trong giai đoạn 2018-2019, đặc biệt là đối với điện mặt trời.

Tương tự, trang Nikkei Assia nhấn mạnh sự phát triển đáng kinh ngạc của Việt Nam về điện gió với tiêu đề: Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đạt công suất kỷ lục. Trích dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu năm 2021, Việt Nam đứng thứ 3 về lắp đặt tuabin điện gió ngoài khơi và thứ tư về điện gió trên bờ, kết quả này chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Sự phát triển của Việt Nam trong năm 2021 là đáng kinh ngạc khi năm trước đó, Việt Nam chưa lọt top 10 nước có công suất lắp điện gió mới lớn nhất.

Theo ông Andrew Jeffies, Trưởng Đại diện Ngân hàng ADB tại Việt Nam: "Việt Nam đã thực sự thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Và chứng tỏ rằng với chính sách khuyến khích đúng, tình hình có thể biến chuyển nhanh chóng và đầu tư tư nhân nhanh chóng bứt phá".

Trích dẫn như vậy để thấy rằng, các đánh giá là khách quan, và thực tế ai cũng có thể nhìn thấy bằng những con số thật.

Trong những thành quả nêu trên, không thể không nhắc đến vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài. Ở trong nước, các doanh nghiệp tư nhân như Trung Nam Group, BIM Group, T&T Group và hàng chục doanh nghiệp khác cũng đã đóng góp hàng chục dự án quy mô nhiều nghìn MW, chủ yếu là điện gió, điện mặt trời.

Không chỉ có các nhà đầu tư trong nước, chính sách ưu đãi về năng lượng tái tạo cũng đã thu hút hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... với hàng loạt dự án đang trong giai đoạn phê duyệt, xây dựng hoặc hoàn thiện như German ASEAN Power, JA Solar, GE Renewable Energy, Siemens Gamesa, Doosan Heavy, Copenhagen Infrastructure Partners, Tập đoàn Ørsted...

Bên cạnh thu hút nguồn vốn, sự bùng nổ của năng lượng tái tạo đã bước đầu hình thành nên ngành công nghiệp năng lượng với sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển các sản phẩm, thiết bị, công nghệ và các dịch vụ liên quan đến điện năng lượng tái tạo. Điều này khiến thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam trở nên sôi động hơn và mang tính cạnh tranh hơn.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện năm 2030 là 145.185 MW và năm 2045 là 413.054 MW. Trong đó, công suất điện năng lượng tái tạo chiếm khoảng 45 % vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 165,7 tỷ USD, trong đó, cho nguồn điện là 131,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 34,5 tỷ USD. Như vậy, bình quân mỗi năm cần đầu tư 3,45 tỷ USD/năm.

Việc đồng hành của các nhà đầu tư tư nhân trong việc phát triển năng lượng tái tạo là đáng ghi nhận, hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

Còn nữa...
Ng. Vũ