LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Bước chuyển cho doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch lớn mạnh

16:01 03/11/2022

Với nguồn nguyên liệu nông sản hữu cơ chủ yếu từ nha đam và thạch dừa cũng đủ để chuẩn bị đưa một doanh nghiệp mà tên tuổi vẫn còn khiêm tốn bước chân lên sàn chứng khoán. Đó cũng là tín hiệu tích cực dành cho mô hình làm nông nghiệp sạch của những công ty cổ phần với kỳ vọng lớn mạnh hơn trong thời gian tới theo chiều rộng lẫn chiều sâu.

Dư luận đang quan tâm đến việc CTCP Thực phẩm GC Food (ở Đồng Nai) - một doanh nghiệp (DN) chuyên về chế biến nông sản với nguồn nguyên liệu hữu cơ (chủ yếu là nha đam và thạch dừa), sắp sửa lên sàn chứng khoán vào cuối năm 2022 này.

Tín hiệu tích cực

Đây được xem là cơ hội để một DN làm nông nghiệp sạch như GC Food có thể huy động thêm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, mở rộng sản xuất theo định hướng nông nghiệp hữu cơ (công ty sẽ dành 50 ha cho định hướng nông nghiệp hữu cơ) và tiếp tục tăng quy mô sản xuất từ gần 1.000 tấn thành phẩm/tháng lên khoảng 1.500 tấn thành phẩm/tháng.

 

Mô hình làm nông nghiệp sạch, chế biến nông sản sạch của những công ty cổ phần sau khi trải qua không ít thử thách hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực.

Lên sàn chứng khoán, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food, việc đầu tiên là công ty có thể minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh đối với cổ đông. Công ty cũng thực hiện theo đúng quy định về mặt kế toán, gồm doanh thu, chi phí để phản ánh trung thực đầy đủ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, DN sẽ xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn với các hoạt động chăn nuôi chủ lực là cừu, bò, công ty gom chất thải, phế phẩm phụ liệu tạo ra phân bón vi sinh cho trồng trọt nha đam, nho, dưa lưới, ổi…

Sẽ phải chờ thời gian để trả lời cho bước tiến của GC Food khi lên sàn chứng khoán, nhưng có thể nói đó là tín hiệu tích cực và đáng để khích lệ dành cho những DN thực sự làm nông nghiệp sạch với ước vọng lớn mạnh hơn.

Bởi lẽ, trên thực tế, rất nhiều DN trong nước đã và đang đầu tư vào quy trình sản xuất nông sản sạch, thế nhưng một trong những khó khăn lớn đối với họ chính là chi phí tài chính. Thậm chí, có một số chủ DN làm nông nghiệp hữu cơ từng than phiền đã phải “đốt” hàng trăm tỷ đồng trong lĩnh vực này và chờ đến ngày để chinh phục thị trường.

Tuy vậy, nếu nhìn một cách lạc quan sẽ thấy xu hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh trong nông nghiệp chính là bước chuyển để các DN làm nông nghiệp bứt phá trong thời gian tới.

Hơn nữa, theo giới phân tích, mô hình làm nông nghiệp sạch của những công ty cổ phần sau khi trải qua không ít thử thách hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Không chỉ vậy, với các quy chuẩn niêm yết khá khắt khe trên sàn chứng khoán (đặc biệt là sàn HoSE), với ràng buộc công bố thông tin và tài chính định kỳ, được cho là sẽ giúp những DN làm nông nghiệp sạch giải quyết vấn đề về sự minh bạch và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư góp vốn.

Nhất là đến một giai đoạn phát triển, các DN làm nông nghiệp sạch không thể tự đầu tư bằng vốn tự có và vốn vay để phát triển, mà cần có sự trợ lực lớn từ các nhà đầu tư tài chính. Họ không chỉ mang đến cho DN nguồn vốn mà còn về quản trị, chiến lược giúp DN từng bước phát triển mạnh. 

Đây là cũng yếu tố để những công ty cổ phần đầu tư cho nông nghiệp sạch có cơ hội vươn lên không chỉ với thị trường trong nước mà còn ở trên thị trường thế giới với chuỗi giá trị nông nghiệp sạch được thị trường đánh giá rất cao.

Lớn mạnh theo chiều rộng và chiều sâu

Điều này có thể thấy rõ từ một số DN làm nông nghiệp sạch đã niêm yết trên sàn chứng khoán và vẫn đang thiết lập được một hệ thống tạo ra giá trị gia tăng cao cho ngành nông nghiệp như CTCP Tập đoàn PAN (PAN), CTCP Nafoods Group (NAF), CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR)… 

Như chia sẻ mới đây của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, giá xuất khẩu gạo hữu cơ của công ty bán ra thị trường châu Âu hiện khá cao: gạo ST25 là 1.250 USD/tấn, gạo hương lài 680 USD/tấn. Doanh thu của toàn công ty năm 2022 có thể đạt 3.000 tỷ đồng, tức là tăng thêm 500 tỷ đồng so với năm ngoái.

Theo ông Bình, thời kỳ cho tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ đã đến. Một khi đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu thì chắc chắn những DN làm nông sản hữu cơ sẽ thắng. Bởi vì xu thế thời đại hiện nay là xu thế của sản phẩm hữu cơ. Tức là hiện nay, chúng ta đi theo xu thế của người tiêu dùng, kể cả ở Việt Nam và thế giới. 

Còn theo bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc PAN Group, khi nằm trong hệ sinh thái chung thì các công ty con đều tăng trưởng rất tốt, nhất là tập trung cùng nhau nâng tầm nông nghiệp Việt.

Bà My cho biết, phía DN theo đuổi chiến lược phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, đầu tư nghiêm túc, bài bản vào mảng nông nghiệp thực phẩm bằng việc nâng cao chất lượng nông sản sạch, áp dụng công nghệ hiện đại vào khâu chế biến nông sản với chiến lược phát triển bền vững.

Ngoài ra, trao đổi với VnBusiness, bà Đỗ Thị Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Dika Happy (Cần Thơ) - chuyên chế biến các sản phẩm từ trái Lêkima hữu cơ, cho biết khi vốn vay còn khó khăn, với vai trò là nhà sản xuất, công ty vẫn mong có thể liên kết với những đối tác có nguồn vốn tốt nhằm đưa sản phẩm  chế biến của DN có thể vươn xa hơn.

Theo bà Diệu, để giúp các DN làm nông nghiệp sạch có thể lớn mạnh rất mong sự hỗ trợ nhiều hơn từ khâu chính sách. Nhất là cần sớm đưa ra những nghiên cứu khoa học một cách chính xác về giá trị dinh dưỡng của những loại nông sản sạch mà các DN đang tập trung sản xuất chế biến, để qua đó thu hút tốt hơn nhu cầu từ phía người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Tựu trung lại, để các DN làm nông nghiệp sạch có những bước chuyển mới bứt phá lớn mạnh lên đang đòi hỏi không chỉ là những tín hiệu tích cực từ thị trường, được bước chân lên sàn chứng khoán, mà còn cần sự minh bạch, tự thân nỗ lực từ chính các DN cũng như sự khích lệ hơn nữa ở khâu chính sách.

Thế Vinh