LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội lớn từ FTA

16:24 18/08/2022

Thời gian qua, những khó khăn từ dịch COVID-19 quá lớn, được đề cập rất nhiều khiến nhiều doanh nghiệp tưởng chừng quy tắc xuất xứ sẽ không còn là nỗi lo, vướng mắc trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, thực tế lại đang cho thấy, khó khăn này vẫn tồn tại, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ đi những cơ hội lớn trong đẩy mạnh xuất khẩu.

Việt Nam là một trong những nước tích cực nhất nhì trong ASEAN về ký kết các FTA, chỉ sau Singapore. Hiện, Việt Nam đã tham gia 15 FTA, trong đó có nhiều FTA đạt chất lượng cao, như CPTTP, EVFTA… bao trùm nhiều nền kinh tế lớn của thế giới. Việc có nhiều FTA được đánh giá là cơ hội lớn để xuất khẩu, vấn đề là các doanh nghiệp (DN) Việt có tận dụng được hay không?

Phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu

Da giày là một trong những ngành đang có những bước tiến khá tốt trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, tình hình phát triển nguồn nguyên phụ liệu khá tích cực. Trong đó, có thể thấy nhờ vào việc tham gia các FTA, đặc biệt là các yêu cầu về xuất xứ, đảm bảo tỷ lệ % nội địa hoá từ các FTA cũng là động lực cho các DN sản xuất nguyên phụ liệu đầu tư vào Việt Nam và ngay các DN trong nước cũng đã đầu tư mở rộng sản xuất.

 

Việc tận dụng ưu đãi từ các FTA còn khó khăn vì doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ. 

Trước đây, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày của Việt Nam chỉ khoảng 40-45%, nay đã tăng lên 55%, riêng đối với mặt hàng giày thể thao, DN trong ngành đã chủ động được 70-80% nguyên phụ liệu trong nước; và các thành phần sản xuất chính của giày đã được sản xuất tại Việt Nam.

“Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá của ngành da giày ở mức 55% là khá được cải thiện. Ngành da giày đặt mục tiêu thời gian tới nâng dần lên từ 70-80% cho chung nguyên phụ liệu của toàn ngành”, bà Xuân cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Lefaso cũng cho hay, DN vẫn gặp khó khăn về đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu, như mặt hàng da thuộc hàng năm phải nhập hàng tỷ USD do bị các quy định ngặt nghèo liên quan đến môi trường nên các địa phương không mặn mà thu hút đầu tư. Đây cũng chính là hạn chế khiến ngành da giày khó tăng tỷ lệ nội địa hóa trong thời gian tới.

Tương tự, với dệt may, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, các FTA thế hệ mới như CPTTP và EVFTA đều có những yêu cầu là vải phải sản xuất ở trong các nước khu vực FTA. Các con số xuất khẩu đều tăng nhưng đối với dệt may, DN đều chưa tận dụng được các FTA vì khó tuân thủ được các quy tắc xuất xứ, trong khi các nguyên liệu vẫn chưa tự chủ được.

Con số thống kê cho thấy, với Hiệp định EVFTA, ngành dệt may tận dụng siêu ưu đãi mới chỉ đạt được 15% trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU, trong khi da giày lên tới 90%. Còn với CPTPP, với quy tắc từ sợi trở đi, gần như Vinatex vẫn chưa tận dụng được.

Trước những khó khăn trên, Vinatex đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 trở thành điểm cung ứng trọn gói từ sợi, từ vải cho đến các sản phẩm may mặc cuối cùng cho dòng dệt kim phổ thông, các sản phẩm hướng tới là sản phẩm xanh, phù hợp với yêu cầu của các nhà bán lẻ lớn. “Nếu như chúng tôi đạt được mục tiêu trở thành điểm cung ứng trọn gói cho khách hàng, thì giá trị gia tăng có thể lên tới 80% (do hiện nay Tập đoàn còn phải nhập khoảng 70% bông từ Mỹ). Khi đó, các quy tắc xuất xứ sẽ không thành trở ngại nữa”, ông Đức Anh kỳ vọng.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, việc đẩy mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may rất cần thiết. Hiện, Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải. Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu. Trong khi đó, vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại. Đây sẽ là phân khúc thị trường tiềm năng để thu hút đầu tư.

Trông chờ vào cú hích từ chính sách 

Do vậy, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài kiến nghị Nhà nước cần xem xét hỗ trợ mạnh mẽ nhiều mặt để hình thành nền công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, đặc biệt về vốn và chính sách hỗ trợ sản xuất nguyên liệu.

Thực tế, không chỉ dệt may hay da giày, với những lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo hay nông nghiệp, việc tận dụng cơ hội từ các FTA cũng rất khó khăn, thậm chí chưa rõ rệt. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam chia sẻ, tham gia các FTA, các dòng thuế giảm 0-5%, tuy nhiên với DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là DN điện tử thì việc hưởng mức thuế suất này đã có trước khi chúng ta tham gia FTA, nên tác động là không lớn khi xuất khẩu ra nước ngoài.

Chưa kể, việc tận dụng cơ hội xuất khẩu đa phần là DN FDI. Bà Hương cho rằng tới đây, việc nắm bắt cơ hội được hay không là phụ thuộc năng lực của DN và chính sự hỗ trợ của Chính phủ. “Chúng tôi đang trông chờ các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn từ Chính phủ, làm sao giúp DN một cách thiết thực, cụ thể hơn và mong những chính sách thực sự đi vào đời sống chứ không chỉ nằm trên giấy tờ”, bà Hương bày tỏ.

Với ngành thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam có nhiều mặt hàng có sẵn nguyên liệu ổn định như cá tra, tôm, các DN hầu như đã tận dụng tốt lợi thế thuế quan, chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, có một rào cản lớn để xuất khẩu thuỷ sản là thẻ vàng IUU. Đây là hạn chế khiến việc chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc… khai thác thuỷ sản xuất khẩu sang EU gặp rất nhiều khó khăn.

“Và nguồn nguyên liệu nhập khẩu dù chỉ chiếm một phần nhỏ khi xuất khẩu sang EU nhưng đang là cản trở trong việc tận dụng thuế quan để xuất khẩu thuỷ sản sang EU, mặc dù phần lớn hải sản đông lạnh như mực bạch tuộc… thuế quan đã về 0% khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực”, bà Hằng cho hay.

Có thể thấy, thách thức lớn đối với thuỷ sản khi xuất khẩu sang EU đó là đảm bảo quy tắc xuất xứ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp CO, quy tắc xuất xứ. Đây chính là trở ngại đối với thuỷ sản khi xuất khẩu sang EU. Vì vậy, VASEP, Bộ Công Thương cho biết đã và đang có nhiều chương trình phối hợp để đào tạo cho DN đảm bảo về chứng nhận xuất xứ.

Ông Trần Thanh Hải-  Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

Việc đáp ứng quy tắc về xuất xứ là một yêu cầu để đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu DN đáp ứng được các quy tắc xuất xứ khắt khe của những Hiệp định FTA như EVFTA, CTPPP sẽ giúp sản phẩm của Việt Nam có thể vượt qua được những yêu cầu khác. Đối với một số mặt hàng cụ thể cũng có một số khác biệt, ví dụ như mặt hàng dệt may thì tỷ lệ linh hoạt trong hiệp định này khác với các hiệp định khác. Những DN trong từng ngành hàng phải tìm hiểu thêm nếu muốn tận dụng được cơ hội.

 

Hiện, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có tới 72% là từ FDI; nhập khẩu cũng 60-62% từ FDI, cho thấy chúng ta thất thu về lợi ích từ nhập khẩu và xuất khẩu như thế nào, từ đó thấy những bất lợi cho các DN của Việt Nam. Đơn cử như DN điện tử hay nói rộng hơn là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu chỉ quen với việc nhập khẩu linh phụ kiện mà chưa đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cuối cùng ra thị trường nước ngoài. DN cần nghĩ rằng xuất khẩu phải đối mặt với những đối thủ bên ngoài thì lúc đó sẽ giúp năng lực nâng lên.

 

Thực tế, trong chuỗi sản xuất toàn cầu để tự chủ được 100% nguyên liệu là rất khó, vì vậy các DN cũng phải nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến. Do vậy, ở một góc nhìn khác, tôi muốn đề cập tới việc làm chủ công nghệ của DN, làm sao để thu về giá trị gia tăng nhiều nhất; bởi trong chuỗi sản xuất, khâu có giá trị gia tăng nhiều nhất là người sở hữu thương hiệu mà không quá quan trọng là nguyên liệu hay quy trình sản xuất đang ở đâu.
Nhật Linh