LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Doanh nghiệp Việt: Vươn ra biển lớn

20:52 15/04/2022

Những năm gần đây, nhiều DN Việt đã tự tin đầu tư nguồn vốn lớn ra nước ngoài và dần khẳng định được vị trí, thương hiệu tại đó. Trong 3 tháng đầu năm 2022, có 24 dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 tác động tiêu cực lên nền kinh tế khiến DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó nhiều DN Việt Nam vẫn tìm thấy cơ hội khi đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là vào lĩnh vực khoa học công nghệ, thương mại… Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I/2022, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 8 lĩnh vực, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 5 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 96,75 triệu USD, chiếm gần 45,8% tổng vốn đầu tư; ngành khai khoáng đứng thứ hai với 01 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 33,5 triệu USD, chiếm 14,6%; tiếp đến là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 30,8 triệu USD, chiếm 14,6%; các ngành còn lại đạt 50,4 triệu USD, chiếm 23,8%. Có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Lào là nước dẫn đầu với 64,3 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đăng ký; Hoa Kỳ 34,5 triệu USD, chiếm 16,3%; Canada 34 triệu USD, chiếm 16,1%; Singapore 29,9 triệu USD, chiếm 14,1%; Indonesia 22,7 triệu USD, chiếm 10,8%.

doanh nghiep viet vuon ra bien lon VinFast tập trung đầu tư với quy mô lớn tại thị trường quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng

Hiện nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt không chỉ vào những thị trường truyền thống quen thuộc mà còn ở những thị trường lớn, có trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật cao như Mỹ, Canada, châu Âu... Các tên tuổi DN Việt đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài có hiệu quả và đang mở rộng thị phần phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Sữa Việt Nam…

Là một trong những DN tiên phong đầu tư ra nước ngoài và chiếm thị phần không nhỏ tại các quốc gia đó, Viettel đã khẳng định được vị thế và thương hiệu của mình trên thế giới. Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn chia sẻ, trong những năm qua Viettel đã đi tiên phong trong rất nhiều dự án về mạng viễn thông tại nhiều quốc gia và trở thành DN chiếm thị phần hàng đầu như tại Campuchia, Lào, Myanmar, Peru, Mozambique, Tanzania… Tốc độ phát triển của Viettel tại nhiều nước đã vượt mức kế hoạch đề ra và mang lại doanh thu lớn cho tập đoàn. Công tác đầu tư nước ngoài của Viettel được Chính phủ đánh giá cao không chỉ ở khía cạnh phát triển kinh tế đất nước, mà còn là việc xây dựng hình ảnh con người Việt Nam hiện đại, quảng bá công nghệ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hiệu quả đầu tư nước ngoài của Viettel đồng thời cũng góp phần tích cực bảo vệ Tổ quốc từ xa.

Có điểm nổi bật không thể không nhắc đến là trong 3 tháng đầu năm 2022, số vốn đầu tư của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng nhanh. Trong đó, dấu ấn đặc biệt là sự kiện VinFast đầu tư 4 tỷ USD xây dựng nhà máy xe điện tại Mỹ, nhận được sự quan tâm của cả 2 quốc gia. Theo đó nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham với diện tích khoảng 800 ha và bao gồm 3 khu vực chính: khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện; khu vực sản xuất pin cho các sản phẩm xe điện và khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp. Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ được khởi công ngay trong năm 2022 sau khi nhận được giấy phép xây dựng và dự kiến sẽ được vận hành vào tháng 7/2024. Công suất giai đoạn 1 dự kiến là 150.000 xe/năm.

Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu cho biết, việc đầu tư cơ sở sản xuất ngay tại thị trường sẽ giúp VinFast chủ động nguồn cung, ổn định giá thành và rút ngắn thời gian cung cấp sản phẩm, giúp xe điện của VinFast trở nên dễ tiếp cận hơn với khách hàng, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu cải thiện môi trường của địa phương. Thông qua dự án xây dựng nhà máy tại Mỹ, VinFast khẳng định kế hoạch phát triển và sự đầu tư nghiêm túc của hãng tại thị trường quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng; đồng thời đảm bảo năng lực và kế hoạch tự chủ sản xuất trên toàn cầu.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vẫn được duy trì ổn định về mặt số lượng dự án nhưng có sự thay đổi lớn về chủ thể đầu tư trong thời gian gần đây. Chất lượng đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam đang dần được cải thiện. Tuy nhiên để khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho các DN đầu tư ra nước ngoài, cần có nhiều chủ trương, chính sách thuận lợi hơn, tạo điều kiện tốt hơn để DN mạnh dạn đầu tư, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần đắc lực quảng bá thương hiệu Việt Nam.

Lũy kế đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 1.448 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 20,9 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,3%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (16%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,6%); Venezuela (8,7%)…