(TBTCO) - Các tín hiệu gần đây cho thấy, tỷ giá đang nhúc nhích tăng trở lại do giá đồng USD phục hồi trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, cán cân thương mại tuy vẫn xuất siêu nhưng sự sụt giảm xuất khẩu trong tháng 9 vừa qua cũng là một trong những điểm bất lợi tạm thời với tỷ giá.
Sau một giai đoạn hạ nhiệt từ tháng 8 và tạo đáy vào cuối tháng 9, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD lại có tín hiệu rục rịch tăng trở lại từ đầu tháng 10 đến nay.
Tỷ giá trung tâm theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 1/10 là 24.081 đồng/USD, nhưng liên tục được điều chỉnh tăng từng ngày từ thời điểm đó đến nay và đến ngày 8/10, đã tăng lên mức 24.168 đồng/USD.
9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD). Một số chuyên gia tài chính vẫn lạc quan về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2024.
Cùng chung quỹ đạo này, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng luôn được điều chỉnh tăng từ đầu tháng. Cụ thể, tỷ giá bán ra tại Vietcombank hôm 1/10 ghi nhận mức 24.770 đồng/USD và đến nay đã vượt lên trên mốc 25.000 đồng/USD.
Tỷ giá trong nước theo đó đang có diễn biến đồng nhịp theo xu hướng tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế trong vòng khoảng 1 tuần trở lại đây. Đầu tháng 10, đồng USD vẫn ở mức chỉ khoảng dưới 101 điểm, cũng là mức đáy thấp nhất trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đồng tiền này bất ngờ tăng giá mạnh chỉ trong ít ngày lên mức trên 102 điểm vào hôm 4/10 và duy trì ở mặt bằng này suốt từ đó đến nay.
Sự nhảy vọt bất ngờ của đồng USD diễn ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell phát biểu về nền kinh tế khi cho biết, các bản sửa đổi gần đây đối với dữ liệu về tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tiết kiệm và thu nhập cá nhân đã loại bỏ một số rủi ro mà FED đang lo ngại. Trong khi đó, thông tin quan trọng về thị trường lao động Mỹ được công bố đầu tháng 10 cho thấy, bảng lương tư nhân tại Mỹ đã tăng 143.000 việc làm trong tháng 9, vượt qua mức dự đoán 120.000 của các nhà kinh tế. Trước các động thái mới này, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường thuộc Công ty chứng khoán VPBank cho biết, các chỉ số kinh tế Mỹ cho thấy, nền kinh tế này vẫn đang ở trạng thái tốt và từ đó giới đầu tư dự báo FED sẽ không cần phải hạ nhanh lãi suất.
Chỉ báo từ công cụ FEDWatch dự báo động thái của FED trong cuộc họp tháng 11/2024 cho thấy, có tới 85,8% khả năng FED sẽ chỉ hạ lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản (xuống 4,5 - 4,75%). Đặc biệt, các dự báo mới xuất hiện khả năng có thể FED vẫn giữ nguyên lãi suất vào tháng 11 với tỷ lệ xác suất là 14,2%, xác suất này tuy không cao nhưng đã thay đổi đáng kể so với xác suất cho khả năng giữ nguyên lãi suất chỉ là 0% trong các chỉ số dự báo cách đây 1 tuần. Trong khi đó, hơn 1 tuần trước đây, thị trường dự báo có tới gần 40% khả năng, thậm chí FED sẽ giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 11, nhưng đến nay xác suất dự đoán cho khả năng này là 0%.
“Tương tác” với các yếu tố trong nướcNgoài các yếu tố từ thị trường quốc tế, các thông tin vĩ mô trong nước mới được công bố trong tuần vừa qua cũng là tâm điểm được giới tài chính đặc biệt quan tâm.
Báo cáo kinh tế xã hội vừa được Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là một yếu tố khá tích cực, thậm chí có phần làm ngỡ ngàng ngay cả các tổ chức tài chính lớn, khi một số dự báo công bố chỉ trước đó ít ngày đã đưa ra các con số thấp hơn nhiều. Đơn cử như dự báo của Ngân hàng Standard Chartered đưa ra hôm 5/10 cho biết, tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam có thể sẽ đạt 5,1% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, Standard Chartered vẫn dự báo gần đúng về sự thu hẹp của thặng dư thương mại của tháng 9 có thể giảm xuống còn 2,5 tỷ USD, ít hơn khá nhiều so với mức 4,5 tỷ USD trong tháng 8.
Con số thực tế được Tổng cục Thống kê cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 sơ bộ xuất siêu 2,29 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước. Nhìn từ góc độ tiền tệ, sự sụt giảm xuất khẩu có thể coi là yếu tố cảnh báo về sự sụt giảm nguồn thu ngoại tệ.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước. Các số liệu trên cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu đều sụt giảm so với tháng trước, nhưng xuất khẩu có tốc độ sụt giảm mạnh hơn so với nhập khẩu.
Mặc dù vậy, các số liệu xuất nhập khẩu của 1 tháng có thể chỉ là các biểu hiện tạm thời, chưa đủ đại diện cho một chu kỳ và thực tế một số chuyên gia tài chính vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2024.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ. Riêng trong những tháng cuối năm, ông Hinh dự báo xuất khẩu của một số nhóm mặt hàng sẽ bứt phá, bao gồm nông sản, thủy sản, dệt may, da giày do đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam và mức nền thấp của cùng kỳ 2023.
“Những mặt hàng khác như linh kiện điện tử, máy vi tính, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan trong quý IV nhờ sự cải thiện của bức tranh kinh tế và môi trường đầu tư toàn cầu sau một loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây” - ông Hinh nhận định. /.