(TBTCO) - Đóng góp vào thành quả kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá Việt Nam năm 2024 đạt mức kỷ lục 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, khu vực thị trường châu Á, châu Phi cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng hơn 30%. Năm 2025 châu Á, châu Phi tiếp tục là thị trường xuất, nhập khẩu trọng điểm.
Xuất nhập khẩu sang khu vực châu Á, châu Phi đạt 520 tỷ USD
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương, năm 2024, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các khu vực thị trường đều tăng. Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của Việt Nam trong khu vực cũng phục hồi mạnh mẽ.
Về nhóm hàng xuất khẩu, cấu trúc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang được cải thiện tích cực, với việc giảm hàm lượng xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Nhóm nông, thủy sản tăng trưởng ấn tượng 30,4%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh ở hầu hết các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước tiếp đà hồi phục.
Cấu trúc xuất khẩu hàng hóa cải thiện tích cực
Theo Bộ Công thương, cấu trúc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang được cải thiện tích cực, với việc giảm hàm lượng xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Nhóm nông, thủy sản tăng trưởng 30,4%, ấn tượng hơn cả là nhóm hàng rau quả Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Việt Nam tiếp tục nhập siêu 123,9 tỷ USD từ khu vực châu Á, châu Phi trong năm 2024, tập trung vào nhóm mặt hàng tư liệu sản xuất như máy móc, xăng dầu, nguyên phụ liệu (hạt điều thô)... nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bộ Công thương cho biết, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 520 tỷ USD, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 và nhiều năm tới.
Ở chiều xuất khẩu, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa sang các thị trường châu Á, châu Phi ước đạt trên 197 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập nhẩu ước đạt 322 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 125 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023.
Đặt trọng tâm vào thị trường Trung Quốc
Bộ Công thương nhận định, năm 2025, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục. Do đó, cơ quan này tiếp tục đề xuất đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024. Để thực hiện mục tiêu này, cần chú trọng khai thác thị trường châu Á - châu Phi, trong đó thị trường Trung Quốc sẽ là tâm điểm.
Trung Quốc luôn là đối tác kinh tế, thương mại lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời là quốc gia có quy mô thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc năm 2023.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có sự gia tăng thị phần đáng kể, điển hình như ngành hàng rau quả, thủy sản… Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả đến cuối năm 2024 sẽ đạt 7 tỷ USD, vượt hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên để thâm nhập thị trường Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo doanh nghiệp phải dần loại bỏ phương thức bán hàng tiểu ngạch, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu bằng con đường chính ngạch.
Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao; đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đăng ký và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói... Do vậy, để xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng Trung Quốc quy định.
Việt Nam và Trung Quốc có nhiều hiệp định song phương được ký kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về thương mại như: Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Trung Quốc; Hiệp định Việt Nam - Trung Hoa về đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và công nhận lẫn nhau… Ngoài ra, hai nước còn có mối quan hệ thương mại đa phương tại Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Bên cạnh các yêu cầu và cam kết về chất lượng, xuất xứ… của sản phẩm, các Hiệp định thương mại còn là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch thúc đẩy phát triển sản phẩm, thị trường, gia tăng giá trị hàng hóa.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại quan trọng với thị trường tiêu thụ lớn; đồng thời là thị trường cung ứng phần lớn nguyên liệu cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam ngoài yêu cầu bắt buộc, cần chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu theo con đường chính ngạch, chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, trong đó có thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Thống kê đề xuất thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp. Trong đó, khuyến nghị doanh nghiệp tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu năm 2025
Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2025, (kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước), Bộ Công thương cho rằng, cần triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các công cụ, chính sách xuất nhập khẩu.
Theo đó, ngành Công thương tổ chức nghiên cứu thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại; theo dõi sát tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ. Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về thương mại biên giới, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại biên giới; đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn…
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường do các FTA mang lại, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với như CPTPP, EVFTA, RCEP; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại thị trường mới, thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai…