LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Doanh nghiệp Việt vẫn khó tiếp cận tín dụng xanh

17:42 12/09/2024

Các quỹ đầu tư quốc tế đang có rất nhiều tiền và sẵn sàng rót vốn vào các dự án xanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế không hề đơn giản, bởi không phải cứ làm "xanh" là được đầu tư, vì cốt lõi trong kinh doanh vẫn là lợi nhuận.

Việt Nam cần nguồn lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD cho đến 2050, trong đó riêng nhu cầu tài chính đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tại Việt Nam, hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.

Đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.

-5223-1725965721.jpg

Các ngân hàng gặp khó khăn trong quá trình cấp tín dụng xanh (Ảnh minh họa)

Hiện tại, cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở, nhưng theo ông Lực, dòng vốn xanh ở Việt Nam còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như: Chưa có các sản phẩm tài chính xanh (sản phẩm tín dụng xanh, chứng khoán xanh) đặc thù/cụ thể; Chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (nhất là quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…).

Thực tế, các ngân hàng cho biết trong quá trình cấp tín dụng xanh cũng gặp những khó khăn. Tổng giám đốc một ngân hàng nêu một số khó khăn đó là việc đánh giá các dự án xanh đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ với các tiêu chí rõ ràng để xác định như thế nào là “xanh”. Định nghĩa và tiêu chí để xác định một dự án "xanh" hiện được các tổ chức tín dụng áp dụng chưa rõ ràng và đồng nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình xét duyệt.

Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu chi tiết và công cụ đánh giá kỹ thuật đặc thù để xác định dự án có thực sự xanh hay không ở các ngân hàng vẫn còn thiếu. Ngoài ra, các quy định và chính sách về môi trường và tài chính xanh có thể thay đổi, tạo ra rủi ro pháp lý cho các dự án đã được cấp tín dụng. Và việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh tương đối phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng.

Bên cạnh đó, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn…, trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn; nhận thức của thị trường đối với ESG, tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều; nhiều công ty niêm yết chưa chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.

Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” được tổ chức ngày 10/9, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ cho hay: “Tiền hiện có rất nhiều, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận được nó”. Lãnh đạo Quỹ đầu tư A+ cũng chia sẻ việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế không hề đơn giản: “Hiện, chúng tôi đang làm việc với một số quỹ lớn, thường nhắm đến các dự án có giá trị tối thiểu 50 triệu USD. Một số quỹ đầu tư xanh lại có tiêu chí không cho vay đối với doanh nghiệp niêm yết, trong khi các công ty tư nhân nhỏ có giá trị gần 50 triệu USD rất hiếm”.

Theo ông Hoàng, để nguồn vốn quốc tế có thể chảy vào và nuôi dưỡng từng tế bào của thị trường, rất cần các trung gian tài chính. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường tài chính xanh ở Việt Nam còn nhiều cơ hội để các quỹ nội địa phát triển. Mỗi quỹ trung gian có cách làm việc khác nhau, nhưng quan trọng nhất là phải hiểu rõ thị trường. Chỉ khi đó, nguồn vốn mới đến được những nơi thực sự cần thiết.

Từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đã chỉ rõ một số khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận tài chính xanh. Đó là: Thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh; chi phí tài chính thực tế; tiêu chí dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng; các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng; các dự án quy mô nhỏ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài; rủi ro về chênh lệch tỷ giá.

Để nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ cho rằng các chủ doanh nghiệp và giám đốc tài chính cần hiểu rõ các tiêu chí xanh của ngành trước khi tìm đến quỹ tài chính xanh.

“Họ cần nhận thức được lý do tại sao quỹ cần mình và quan trọng hơn, phải hiểu rõ tại sao mình cần quỹ, cũng như xác định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Hoàng nói, “Không phải cứ làm "xanh" là được đầu tư, vì cốt lõi trong kinh doanh vẫn là lợi nhuận. Doanh nghiệp cần chứng minh rằng họ có thể mang lại lợi nhuận đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội”.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, đối với nhóm tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Thanh Hoa