LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài thường gặp những rủi ro nào?

19:26 08/07/2024

Nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại trung tâm trọng tài quốc tế. Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội.

Nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại trung tâm trọng tài quốc tế. Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội. cang-cat-lai_nddc_b432ba32Doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng quy định xuất khẩu hàng hoá. Ảnh: SGGP

Tại Hội nghị "Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh & quản lý tranh chấp" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh trong nhiều năm qua.

Theo thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm đặc sắc và nhiều tín hiệu tích cực, ước đạt hơn 190 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,6 tỷ USD. Riêng tại TP.HCM, ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 13,1%. Điều này đồng nghĩa thị trường xuất khẩu Việt Nam ngày càng mở rộng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ từ quy định pháp luật tại các thị trường xuất khẩu.

Trên thực tế, nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại trung tâm trọng tài quốc tế. Nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt lại đang là bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được tốt quyền lợi của mình vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng.

Như Nhadautu.vn từng thông tin, thời gian qua, doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài gặp rất nhiều bất lợi về thanh toán, hoặc mất hàng hoá, cạnh tranh giá cả vận tại.

Đơn cử, hồi năm ngoái, nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu 5 container hồ tiêu, điều, hoa hồi vào thị trường UAE, hàng đã bị lấy ra khỏi cảng nhưng doanh nghiệp chưa nhận được tiền, trong khi bộ chứng từ gốc bị mất.

Ngày 15/7/2023, sau khi nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp về việc nghi bị lừa đảo 5 container trên, các hiệp hội liên quan đã phối hợp ngân hàng, hãng chuyển phát nhanh, hãng tàu... tổng hợp thông tin và báo cáo sự việc, kiến nghị lên các cơ quan Chính phủ, bộ ngành, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE, Đại sứ quán UAE tại Hà Nội...

Đến tháng 10, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết sau gần 3 tháng tích cực làm việc, với sự phối hợp, hợp tác giữa các bên, từ ngày 10 đến 12/10, Ngân hàng Ajman Bank (UAE) đã hoàn trả tiền cho các doanh nghiệp, tổng số tiền các doanh nghiệp đã được hoàn trả cho 4 lô hàng là 354.990,42 USD/tổng số 355.232 USD giá trị lô hàng.

Bà Hoàng Thị Liên, chủ tịch Hiệp hội VPSA, cho biết đạt được kết quả trên không thể không nhắc đến sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Ngoại giao cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các bộ ngành.

"Đây không phải là lần đầu doanh nghiệp Việt bị lừa đảo với kịch bản tương tự. Thông qua vụ việc này, chúng tôi cũng lưu ý các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn nữa trong việc đàm phán, lựa chọn xác minh đối tác, ký kết các điều khoản thanh toán và hợp đồng để không lặp lại các vụ việc tương tự đáng tiếc lần sau", lãnh đạo VPSA cảnh báo.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều cũng gặp tình trạng bị lừa đảo tương tự khi xuất hàng vào UAE, Ý...

Hoặc như vụ việc nghi "rút ruột" hàng hoá xuất khẩu hồ tiêu và cà phê gần đây mà Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) và một số doanh nghiệp liên quan đã có buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn).

Các bên đã thống nhất sẽ cùng nhau phối hợp để điều tra vụ việc đến cùng để một mặt bảo vệ uy tín cho Tân Cảng Sài Gòn nói riêng và của ngành hàng hải Việt Nam nói chung, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu khi tin tưởng sử dụng dịch vụ.

"Luồng hàng hóa di chuyển từ kho người bán đến kho người mua phải đi qua các khâu trong chuỗi cung ứng, như vận tải trên biển, đến cảng dỡ hàng, vận tải từ cảng đến kho người nhập khẩu… cần phải kiểm chứng để tránh gây hiểu nhầm cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu của Tổng công ty", Tân Cảng Sài Gòn cho biết.

Theo bà Hồ Thị Quyên, để hạn chế những thiệt thòi cho doanh nghiệp xuất khẩu, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu. Với tình hình đó, doanh nghiệp cần có bước chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội, xây dựng lợi thế từ các xu hướng.