LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Giá cà phê tăng gấp 3 lần, doanh nghiệp họp bàn tìm cách gỡ khó | Báo Công Thương

15:55 16/04/2024

Giá thu mua cà phê đã tăng gấp gần 3 lần so đầu vụ cà phê trước, đặt các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào tình trạng đổ vỡ hợp đồng, mất uy tín.

Giá tăng gấp 3, đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Tại cuộc họp Ban Chấp hành mở rộng của Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức sáng 11/4, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VICOFA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex- đã nêu thực tế hiện nay mà ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, đổ vỡ hợp đồng phổ biến.

Ông Đỗ Hà Nam cho biết, theo số liệu thống kê, trong tháng 3 năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 185.281 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 680,86 triệu USD USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tổng lũy kế 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024 Việt Nam xuất khẩu tổng cộng hơn 956 ngàn tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu chủ yếu cà phê robusta (trên 825 ngàn tấn), kim ngạch trên 2,3 tỷ USD.

Tuy nhiên theo ông Nam, nếu như thời điểm tháng 3/2023 giá cà phê nội địa ở mức 47.000 đồng/kg thì đến tháng 10/2023 giá đã tăng lên 58.000 đồng/kg và nay đã ở mức 105.000 đồng/ kg.

Việc giá tăng nhanh và quá cao (tăng gần gấp 3 lần) tạo nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Cụ thể là các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn, nhưng hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không tăng.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái. Một số đại lý thu mua và doanh nghiệp trên các địa phương có nguyên liệu đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI dù các bên đã bàn bạc chia sẻ rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam.

“Lịch sử ngành cà phê chưa bao giờ có giá cao như hiện nay và có thể đạt 110.000 đồng/kg”- ông Nam nhận định và chia sẻ thêm rằng: Bản thân ông đã nhận được thư về vấn đề cà phê trong tình trạng rủi ro cao cũng như vấn đề chữ tín trong kinh doanh. Đây là những điều chưa từng xảy ra.

Các doanh nghiệp tham gia cuộc họp sáng nay 11/4

Đứt gãy chuỗi cung ứng - Câu chuyện cần giải quyết

Theo đại diện Công ty TNHH Neumann Việt Nam (thuộc Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe), tình trạng giá cao đã đẩy doanh nghiệp này vào thế khó. “Chúng tôi bị chậm giao hàng, thậm chí không thực hiện hợp đồng một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các nhà rang xay - bạn hàng mà chúng tôi cung cấp cà phê”- vị đại diện cho biết.

Về nguyên nhân, theo vị này, do nhà cung ứng không tôn trọng cam kết đã ký và vấn đề này đang lan rộng cho cả chuỗi cung ứng khi sự hợp tác cả chuỗi đang dần bị phá vỡ. Thậm chí kể cả những người vốn đã hợp tác lâu dài với nhau. “Việc không tôn trọng hợp đồng này xảy ra tình trạng tìm nguồn mới để cung cấp hàng với giá cao hơn. Tiền lệ nguy hiểm này đưa đến điều rất nguy hại cho danh tiếng cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới”- đại diện của Neumann Việt Nam cảnh báo.

Giá cà phê đang tăng quá nhanh - là điều chưa từng có trong lịch sử của ngành này

Theo đại diện Neumann Việt Nam, người dân phá vỡ hợp đồng đã thành tiền lệ và lan rộng, trong khi nhà rang xay thế giới lại cần hàng và họ tìm đến nguồn khác thay thế. “Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng này và mong phía cơ quan chính phủ Việt Nam có biện pháp tháo gỡ tình hình hiện tại”- đại diện Neumann Việt Nam kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại diện của Nestlé Việt Nam cho biết, không mua được hàng bởi giá quá cao khiến doanh nghiệp này phải mua hàng từ các nước khác nhằm giữ cho nhà máy được vận hành ổn định. “Năm ngoái Nestlé Việt Nam đã chuyển hướng mua từ các nước khác và năm nay cũng phải làm như vậy để đảm bảo cho nhà máy sản xuất”- đại diện Nestlé Việt Nam nói thêm.

Giống như hai doanh nghiệp trên, đại diện Công ty TNHH Cà Phê Ngon cũng khẳng định: Năm nay rất thách thức và phải xem xét để nhập cà phê từ nước khác về sản xuất.

Thừa nhận thực tế này, ông Đỗ Hà Nam cho biết: Năm 2023 Việt Nam đã nhập 200.000 tấn cà phê và năm nay các nhà máy rang xay ở Việt Nam đều bắt buộc phải nhập vì giá nội địa quá đắt. Nếu tình trạng này kéo dài và chúng ta không nỗ lực thì cơ hội bởi thậm chí ngay công ty của ông Nam cũng đang phải tìm nguồn cung từ các nước khác để nhập khẩu, chế biến.

Ông Nam cho rằng, tình hình hiện nay VICOFA không thể giải quyết được mà phải tầm bộ/ngành cao hơn; đồng thời phải có giải pháp về tài chính giúp doanh nghiệp thu mua sớm, giữ ổn định giá.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch VICOFA:

Giữ ổn định giá để đảm bảo lợi ích cho các bên

Thị trường cà phê không có năm nào giống năm nào nhưng giá cao như hiện nay là điều không bình thường. Chúng ta đang giao dịch ở mức giá 105.000 - 110.000 đồng/kg, có thể còn lên 120.000 đồng/kg. Không ai muốn giá lên mãi và phải có biện pháp để giá ổn định nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên.