LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Giá cà phê xuất khẩu tăng 4 tuần liên tiếp, chạm mức giá cao nhất | Báo Công Thương

16:31 27/03/2024

Khép lại tuần giao dịch 18 - 24/3, giá cà phê Robusta tăng 1,51%, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp và chạm mức giá cao nhất trong 30 năm.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung là chất xúc tác chính thúc đẩy lực tăng giá Robusta trong tuần qua. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khô nóng kéo dài tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam đang khiến thị trường có cái nhìn tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ 24/25. Hơn thế, tồn kho gần như cạn kiệt khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn.

Giá cà phê Robusta tăng 1,51%, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp

Công ty Marex Group dự báo thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu trong niên vụ 24/25 là 2,7 triệu bao, chủ yếu đến từ sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam.

Trên sàn ICE Futures US, giá cà phê kỳ giao tháng 5/2024 tăng tất cả 2,10 cent so với cuối tuần trước đó, tức tăng 1,15%, lên ở 185,05 cent/lb; và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 2,55 cent, tức tăng 1,40 %, lên ở 184,20 cent/lb

Áp lực từ sự phục hồi của nguồn cung kết hợp với hỗ trợ từ việc đồng USD suy yếu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay đã khiến giá có nhiều biến động.

Lượng tồn kho Arabica đã có chứng nhận trên sàn ICE Futures US trong tuần vừa qua đã tăng thêm 79.419 bao (60 kg/bao), đạt 568.097 bao - mức cao nhất trong 6 tháng. Sự cải thiện về tồn kho kết hợp cùng tình hình đẩy mạnh xuất khẩu tại Brazil là tín hiệu tốt cho thấy nguồn cung trên thị trường vẫn đang trên đà cải thiện.

Trong khi đó, chỉ số Dollar Index trong tuần qua mất gần 1% khi Fed tiếp tục khẳng định sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay; qua đó, đẩy dòng tiền sang các kênh đầu tư tài chính khác như thị trường hàng hóa, bao gồm cả thị trường cà phê.

Theo sau Robusta, giá Arabica tăng 1,04% so với tham chiếu. Tuy nhiên, trong tuần diễn biến giá khá giằng co khi ghi nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen. Áp lực từ sự phục hồi của nguồn cung kết hợp với hỗ trợ từ việc đồng USD suy yếu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay đã khiến giá có nhiều biến động.

Tuần qua, các quỹ và đầu cơ quay lại tăng mua đã giúp giá cà phê Robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam thiết lập mức cao kỷ lục mọi thời đại..

Thị trường cà phê đang ở trong giai đoạn sốt giá, tập trung vào Robusta - loại cà phê mà Việt Nam là nhà cung cấp số 1 cho toàn cầu. Giá cà phê tăng nhanh đột biến hiện nay là do sản lượng Robusta bị hụt gần 20% - một phần vì ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động mạnh của hiện tượng El Nino

Trên thế giới, một số nhà bán lẻ đang thay thế cà phê Arabica bằng cà phê Robusta nhằm tránh giá bán lẻ tăng vọt. Nhu cầu ngày càng tăng đang thắt chặt nguồn cung Robusta, dẫn đến giá cao hơn.

Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới. Với lợi thế giá thành rẻ, Việt Nam được các nhà rang xay trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, lựa chọn là nhà cung cấp Robusta chính.

Sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023 - 2024 có thể giảm thêm 2 - 3%

Theo nhận định của các chuyên gia của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), đà tăng giá nóng những tháng đầu năm của thị trường đến từ việc mất cân đối cung cầu, khi tồn kho cà phê thế giới thấp kỷ lục, buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để thu mua và trả hợp đồng. Căng thẳng tại Biển Đỏ cũng là chất xúc tác để giá cà phê toàn cầu đạt đỉnh.

Thương nhân quốc tế suy đoán sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023 - 2024 có thể giảm thêm 2 - 3%. Còn theo Vicofa, niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022 - 2023.

Brazil vốn dẫn đầu về sản lượng và xuất khẩu Arabica, nhưng gần đây cũng muốn thống trị luôn thị phần của cà phê Robusta - nơi Việt Nam là số 1.

Brazil dự kiến đạt mức tăng sản lượng cà phê hàng năm lần thứ 3 trong năm 2024. Đây sẽ là chuỗi tăng sản lượng 3 năm liên tiếp hiếm hoi, chỉ xảy ra 7 lần trong lịch sử 144 năm của ngành cà phê.

Giới phân tích dự báo, đến một thời điểm nào đó, Brazil có thể vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Đây thực sự là thách thức cho ngành cà phê Việt Nam. Ở Việt Nam những năm gần đây, diện tích và sản lượng bị thu hẹp dần do nhiều nguyên nhân.

Trong những năm gần đây, Brazil đã mở rộng diện tích cà phê Robusta, vốn được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm hòa tan.