LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Hoàn thiện chính sách về quản lý tài sản ảo là yêu cầu cấp bách với nền kinh tế Việt Nam

21:14 25/04/2024

Tại diễn đàn “Blockchain và trí tuệ nhân tạo: Cuộc cách mạng tương lai”, diễn ra ngày 24/4, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, việc ban hành một chính sách hoàn thiện về quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo là yêu cầu cấp bách với nền kinh tế nước ta.

(TBTCO) - Tại diễn đàn “Blockchain và trí tuệ nhân tạo: Cuộc cách mạng tương lai”, diễn ra ngày 24/4, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, việc ban hành một chính sách hoàn thiện về quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo là yêu cầu cấp bách với nền kinh tế nước ta.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, báo cáo khảo sát tại 60 quốc gia, tính tới tháng 12/2023, có 32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa. Đặc biệt, 10 quốc gia trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đều đã chính thức ban hành quy định quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP). Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, khung pháp lý quản lý VA-VASP đã được ban hành đầy đủ.

Quản lý tài sản ảo là yêu cầu cấp bách với nền kinh tế Việt Nam Quản lý tài sản ảo là yêu cầu cấp bách với nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Đứng trước xu thế nêu trên, các chuyên gia tham dự diễn đàn cho rằng, việc hoàn thiện chính sách quản lý VA-VASP là nhu cầu thiết yếu tại nước ta hiện nay, cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Cũng theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tại Việt Nam, hiện đã có 18 văn bản liên quan đến VA-VASP được ban hành. Đáng lưu ý nhất là Quyết định 194/QĐ-TTg (ngày 23/2/2024) ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Quyết định này nhằm đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách xám” (grey list) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF).

Trong đó, các vấn đề trọng tâm liên quan đến quản lý VA-VASP được quy định tại hành động 6 (yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để cấm hoặc quản lý VA-VASP trước thời điểm tháng 5/2025) và hành động 7, hành động 8 với yêu cầu phổ biến chính sách ở khu vực tư nhân.

Quản lý tài sản ảo là yêu cầu cấp bách với nền kinh tế Việt Nam Các chuyên gia kinh tế đề cập đến tiềm năng và cách thức quản lý tài sản ảo tại Việt Nam. Ảnh: Hải Anh

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho VA-VASP phù hợp tại thời điểm này là một “bài toán khó”. Vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Hiện tại, kế hoạch hành động quốc gia (ban hành theo QĐ 194/QĐ-TTg) đang tập trung vào 2 ưu tiên là chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) và tiêu chuẩn VASP. Trong khi đó, 2 tiêu chuẩn còn lại để tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh là thuế tài sản mã hoá và bảo vệ người dùng hiện chưa được quan tâm thích đáng.

Luật sư Trần Quốc Bảo - Luật sư Điều hành hãng luật Pantheon, cho biết: “Việt Nam chỉ còn một năm để chuẩn bị cho sự ra đời của Khung pháp lý quản lý VA-VASP. Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc Chính phủ sẽ có những quy định phù hợp thông lệ quốc tế là quản lý VA-VASP chặt chẽ nhằm tối ưu nguồn thu thuế, bảo vệ người dùng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Nếu cấm VA-VASP, chúng ta sẽ hoàn toàn bỏ lỡ một thế hệ nhà đầu tư mới đang rất quan tâm tới Việt Nam, nơi có 20% dân số sở hữu tài sản mã hoá”.

Được biết, diễn đàn là chương trình thứ 4 của Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhằm thu thập các ý kiến góp ý của cộng đồng, doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp cùng các cơ quan quản lý nhà nước. Đóng góp ý kiến vào xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh quản lý VA-VASP trước thời hạn tháng 5/2025 theo yêu cầu của Chính phủ.

Trong thời gian tới, hiệp hội này sẽ tích cực trao đổi với các cơ quan, bộ ngành làm cơ sở cho hành động 6 và tiếp cận phổ biến chính sách (các khu vực bao gồm cả khu vực tư nhân) về phòng và chống rửa tiền.