LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày: Thời gian 'vàng' để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược

16:32 14/04/2025

Việc Chính phủ Mỹ tạm hoãn áp mức thuế 46% đối với Việt Nam là cơ hội để các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, tái cấu trúc, đa dang sản phẩm, thị trưởng…

Nhadautu.vn ghi nhận ý kiến của các chuyên gia ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các nước trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam.

GS.TS. Phạm Hồng Chương , Giám đốc Đại học kinh tế Quốc dân (NEU): “Muốn đến con đường dài hạn phải vượt qua những trở ngại ngắn hạn…”

Việc Mỹ áp dụng chính sách thuế mới là chưa có tiền lệ bởi trong số các nước bị áp thuế có cả các nước đồng minh lâu đời với Mỹ. Do vậy, trong ngắn hạn các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ưu tiên đàm phán với Mỹ.Tuy nhiên cần thêm thời gian nữa mới hiểu thực chất mục đích, động cơ, mục tiêu sau cùng của Chính phủ Mỹ..

Hiện nay, theo công bố của Tổng thống Donald Trump, ngoài mục tiêu thu thuế thì Chính phủ Mỹ muốn đem công nghiệp, sản xuất quay trở lại nước Mỹ, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu này tính bằng tháng bằng năm, thậm chí nhiều năm…Mục tiêu dài hạn này sẽ như thế nào, chắc hẳn phải có thời gian mới có thể biết được…

GS.TS. Phạm Hồng Chương , Giám đốc NEU. Ảnh: NEU

Nhìn lại quá trình lịch sử trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia đã nỗ lực thực hiện các chủ trương như: Toàn cầu hóa; Xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu… Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện nay, đã có quốc gia tuyên bố chấm dứt toàn cầu hóa. Tôi cho rằng toàn cầu hóa đem lại sự thịnh vượng chung cho nhân loại, những thành quả mà chúng ta đạt được trong suốt thời gian qua là không thể phủ nhận. Việc chấm dứt nó sẽ mang lại hậu quả gì, liệu nhân loại có chấp nhận việc chấm dứt đó không? Tôi hy vọng trong quá trình đàm phán nhân loại sẽ tìm ra giải pháp, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có những bước đi phù hợp hơn, giải quyết được những vấn đề hiện nay.

 Đáp trả chính sách thuế mới của Mỹ nhiều quốc gia cùng đã có động thái. Hiện vẫn có nhiều giả thiết khác nhau nhưng chúng tôi tin rằng những lợi ích mà nhân loại đang hướng tới trong quá trình toàn cầu hóa,  phát triển hiện nay sẽ tiến đến một thế giới phẳng hơn, chắc chắn về lâu dài sẽ là xu thế tất yếu. Cái bất ổn, bất đồng hiện nay không phải là dài hạn.Tuy nhiên muốn đến con đường dài hạn phải vượt qua những trở ngại ngắn hạn. Tôi tin chúng ta có đủ năng lực, đủ khả năng để vượt qua khó khăn hiện nay.

PGS TS Phạm Thế Anh (NEU): “Cần đa dạng hóa và đóng góp giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu…”

Ban đầu khi Tổng thống Donald Trump thông báo áp thuế suất cao đối với các nước trong đó có Việt Nam, bản thân tôi cho rằng mức thuế đó đưa ra để đàm phán chứ không phải thực hiện. Bởi trong hoạt động thương mại các bên được dựng lên hàng rào thuế quan, nhưng mức cao một cách phi lý như thế thì không ai muốn.

Cũng như các nước, 90 ngày tạm hoãn này  là cơ hội để chúng ta đàm phán, do vậy cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin để bước vào đàm phán và cũng phải lường trước các tình huống.

PGS. TS Phạm Thế Anh (NEU). Ảnh: NEU

Và tôi nghĩ, dù thế nào thì sau đàm phán hoạt động thương mại quốc tế cũng sẽ thay đổi. Chúng ta rất khó quay lại mức thuế quan như cũ bởi chúng ta biết rằng tạm hoãn là hoãn mức thuế 46% nhưng các nước phải chịu mức thuế tối thiểu 10%. Điều này sẽ đặt ra cho Việt Nam rất nhiều thách thức

 Thứ nhất, mức thuế sau đàm phán có thể cao hơn mức 10%, khi đó, giá cả hàng hóa ở Mỹ cũng sẽ tăng bất kể Mỹ áp dụng sức mạnh đàm phán đến đâu. Khi giá cảng hàng hóa tiêu dùng tăng sẽ gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Mỹ, lãi suất sẽ hạ trừ khi Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế, Còn nếu Mỹ vẫn “khỏe”, vẫn được lợi từ các cuộc đàm phán thì Mỹ khó hạ lãi suất. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến dòng vốn vào Việt Nam. Khi chệnh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ lớn, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng thu vốn tại Việt Nam, đặc biệt trên thị trường gián tiếp, điều này làm hạn chế khả năng của Việt Nam trong việc hạ lãi suất để thiết kế tăng trưởng trong nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam muốn ổn định lãi suất khi thực thi chính sách trong bối cảnh lãi suất bên ngoài tăng cao.

Thứ hai, thương mại toàn cầu sẽ thay đổi, Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để tránh phụ thuộc lớn như Thị trường Mỹ. Thực tế cho thấy xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, do đó nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Do đó, theo tôi, chiến lược đa dạng hóa và đóng góp giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu là mục tiêu của Việt Nam cần hướng tới trong thời gian tới, nhất là muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao.

GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV: “Doanh nghiệp đang có "thời gian vàng" để chuẩn bị và điều chỉnh chiến lược…”

Mặc dù các quốc gia khác, kể cả Việt Nam sẽ tiếp tục có những cuộc đàm phán với Mỹ để giảm thuế đối ứng. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện Mỹ giảm thuế về 0%. Vì vậy, cần tính đến phương án tái cấu trúc kinh tế, doanh nghiệp, tái cấu trúc đầu tư, tìm kiếm thị trường mới.

90 ngày là khoảng thời gian không dài, vậy nên cần phải nắm bắt và triển khai ngay để chuẩn bị cho mức thuế mới. Về phía doanh nghiệp, việc tạm hoãn áp thuế đối ứng giúp doanh nghiệp có "thời gian vàng" để chuẩn bị và điều chỉnh chiến lược. Doanh nghiệp hiểu rõ nguy cơ về phòng vệ thương mại chưa hẳn chấm dứt, nên tiếp tục mong chờ sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng, củng cố nội lực để sẵn sàng ứng phó khi rủi ro tiếp diễn…

GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: ITN

Trước hết cần phải kích cầu tiêu dùng nội địa. Hiện Chính phủ đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân như giảm thuế giá trị gia tăng... Tuy nhiên, cần kéo dài thời gian giảm thuế đến năm 2026, đồng thời sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh để kích cầu tiêu dùng…

Bên cạnh đó, với ngành sản xuất cũng cần được hỗ trợ. Chẳng hạn hiện nay Bộ Tài Chính đang xây dựng dự thảo tăng một loạt sắc thuế, trong đó có thuế Tiêu thụ đặc biệt, thì cần phải tính toán đến thời điểm áp dụng khi nào cho phù hợp.

Hay như ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế đối ứng (dệt may, nông sản, thủy sản…) cần phải tính đến việc giãn, hoãn cho doanh nghiệp một số nghĩa vụ đóng góp về thuế, phí. Qua đó, tạo môi trường hài hoà hơn cho các doanh nghiệp phục hồi có nguồn lực để sản xuất kinh doanh…

Trong bối cảnh nguồn thu giảm, nguồn đầu tư phải tăng lên, trong đó đầu tư công trở thành trụ cột. Chính phủ cần tăng đầu tư cho các khu vực tạo ra thị trường là khu vực doanh nghiệp, kể cả các khu vực doanh nghiệp tư nhân. Làm sao phải thu hút được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào những dự án đó bằng cách đặt hàng các tập đoàn tư nhân lớn, từ đó tạo công ăn việc làm và thị trường tiêu thụ trong nước…