(TBTCO) - Mặt bằng lãi suất cho vay trong quý I/2025 giảm 0,4% nhờ kịp thời kiểm soát đà tăng của lãi suất huy động đầu vào, dự báo lùi nhẹ 0,03 - 0,08% trong quý II/2025 và cả năm. Lãi suất chính sách cũng không loại trừ khả năng giảm về mức thấp như thời kỳ đại dịch.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2025 vừa được Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính, Ngân hàng Nhà nước công bố, dự báo trong quý II/2025 và cả năm 2025, các tổ chức tín dụng dự kiến mặt bằng lãi suất huy động vốn bằng VND bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định, chỉ tăng rất nhẹ 0,02 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn trên 6 tháng và tăng nhẹ 0,17 điểm phần trăm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025.
Lãi suất huy động tiếp đà giảm đầu tháng 4Về lãi suất cho vay, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND bình quân toàn hệ thống tiếp tục giảm nhẹ 0,03 - 0,08 điểm phần trăm trong quý II/2025 và cả năm 2025.
Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay trong quý II được dự báo sẽ tiếp đà giảm từ quý đầu năm. Trước đó, phát biểu tại phiên họp gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước kịp thời tổ chức họp để định hướng, ngay sau đó các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất.
"Nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi trong vòng một đến hai quý tới, chúng tôi nhận thấy khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất chính sách về mức thấp như trong thời kỳ đại dịch Covid-19 là 4%, sau đó có thể tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất về mức 3,5%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng. Ở thời điểm hiện tại, kịch bản cơ sở của chúng tôi vẫn là Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên chính sách lãi suất" - ông Suan Teck Kin nhận định.
"Tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi, chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Thống kê của Báo Tài chính - Đầu tư về biểu lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại ngày 11/4 cho thấy, tính từ đầu tháng 3 đến nay, tại kỳ hạn 1 tháng, Agribank và VPBank đều điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, lần lượt xuống mức 2,1%/năm và 3,6%/năm. Tương tự, ở kỳ hạn 3 tháng, Agribank giảm còn 2,4%/năm, trong khi VPBank cũng hạ về 3,8%/năm.
Diễn biến giảm lãi suất tiếp tục lan sang các kỳ hạn dài hơn. Với kỳ hạn 6 tháng, BVBank giảm 0,1% xuống 5,1%/năm, còn OCB và Eximbank cùng điều chỉnh về mức 5%/năm. Đầu tháng 4, VPBank điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 4,7%/năm.
Đáng chú ý, ở kỳ hạn 12 tháng, hầu hết các ngân hàng được khảo sát đều cắt giảm lãi suất. Chỉ sau hơn 1 tháng tính từ đầu tháng 3, VPBank giảm lãi suất hai lần, mỗi lần 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 5,2%/năm. BVBank giảm xuống 5,55%; OCB lùi về 5,1%. Riêng Eximbank giảm mạnh nhất với mức giảm 0,4 điểm phần trăm, xuống còn 5,2%/năm. Ở kỳ hạn 24 tháng, VPBank cũng giảm lãi suất hai lần, về mức 5,4%/năm; OCB giảm còn 5,6%/năm.
Dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay không còn lớnTheo ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore, biến động trên thị trường tỷ giá lại trở thành một yếu tố đáng lo ngại, đặc biệt sau khi mức thuế “Giải phóng” của Hoa Kỳ gây ra làn sóng bất ổn mới trên thị trường.
"Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,5%. Tuy nhiên, xu hướng đang nghiêng về khả năng giảm lãi suất, do áp lực suy giảm từ hoạt động kinh doanh và xuất khẩu, trong bối cảnh mức thuế từ Mỹ có thể ảnh hưởng nền kinh tế Việt Nam" - đại diện Ngân hàng UOB đánh giá.
Cũng theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dư địa giảm lãi suất không còn lớn, bởi trong bối cảnh hiện tại buộc phải lựa chọn một trong hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hoặc ổn định tỷ giá. Bởi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 16% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8%, việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp là một công cụ quan trọng, dù không phải duy nhất. Lãi suất thấp giúp kích thích nhu cầu vay vốn, qua đó tăng cường dòng tiền chảy vào khu vực kinh tế thực.
Tuy nhiên, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất đang dần thu hẹp trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nguồn cung ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng do kim ngạch xuất khẩu suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ có thể vẫn cao, tạo áp lực lớn lên tỷ giá và đẩy đồng USD tăng so với VND.
Tuy nhiên, vấn đề lãi suất và thanh khoản chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể. Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF nhận định, điều quan trọng là khả năng tiếp cận vốn thực tế của doanh nghiệp. Dù lãi suất có giảm và thanh khoản dồi dào, nhưng nếu doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, hiệu quả hỗ trợ nền kinh tế sẽ rất hạn chế.
Theo đó, cần giải quyết triệt để độ vênh giữa chính sách và thực tiễn tiếp cận vốn để có thể ổn định mặt bằng lãi suất trong dài hạn. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể yên tâm giải ngân, mở rộng đầu tư và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hết quý đầu năm, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,93%, cao gấp khoảng 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh sự phục hồi tích cực của nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế, trong đó, mặt bằng lãi suất thấp đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi nếu lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính, các tổ chức tín dụng đánh giá, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý I/2025 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt”, với mức cải thiện vượt trội so với quý trước cũng như so với kỳ vọng trước đó. Các tổ chức tín dụng cũng dự báo thanh khoản sẽ tiếp tục được cải thiện trong quý II và cả năm 2025 so với năm 2024. Tuy nhiên, mức độ kỳ vọng về sự cải thiện đã thu hẹp nhẹ so với cuộc khảo sát trước và so với đánh giá cải thiện dành cho năm 2024.
"Trong quý II/2025, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,19% và dư nợ tín dụng tăng bình quân 4,39%. Tính chung cả năm 2025, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 13,1%, thấp hơn 3,3 điểm phần trăm so với kỳ vọng về tăng trưởng dư nợ tín dụng 16,4%" - báo cáo của Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính nêu rõ.
Trong đó, huy động vốn và tín dụng ngắn hạn được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao hơn so với các kỳ hạn dài. Kết quả khảo sát lần này cho thấy, mức độ kỳ vọng bình quân của các tổ chức tín dụng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn theo năm đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện các cuộc điều tra định kỳ từ năm 2020 đến nay./.