Tại báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV đối với lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có thông tin cập nhật về kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó đề cập tiến độ việc tái cơ cấu 3 ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương tmại (NHTM) đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài và gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các NHTM.
Các NHTM cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongABank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongABank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài
Việc phối hợp tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý ngân hàng yếu kém phức tạp chưa có tiền lệ.
Năng lực một số cán bộ công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát, vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).
Hiện nay, các TCTD tiếp tục thực hiện theo phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa phương án cơ cấu lại sau khi có ý kiến của NHNN.
Trong 3 ngân hàng thương mại được mua lại bắt buộc là CBBank, GPBank, OceanBank, NHNN đã công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc với CBBank và OceanBank. Đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại, NHNN đang rà soát và thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ phê duyệt Phương án chuyển giao bắt buộc.
NHNN cho biết, thời gian tới sẽ triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại xử lý các ngân hàng yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
Về tình trạng sở hữu chéo, NHNN cho biết dữ liệu thống kê từ báo cáo của các TCTD cho thấy, tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa TCTD; TCTD và doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây.
Dù vậy, cổ đông; cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đây là những đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, nên NHNN không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.
Bên cạnh đó, NHNN cho biết việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan.
Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của TCTD thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.
Thanh Hoa