LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Sơn La: Xây dựng chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản bền vững | Báo Công Thương

15:57 16/04/2024

Xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ; tích cực tham gia xúc tiến thương mại… là giải pháp xuất khẩu nông sản Sơn La bền vững.

Đa dạng giải pháp xuất khẩu nông sản

Theo Sở Công Thương Sơn La, hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 85.000ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng thu hái đạt trên 490.000 tấn.

Sơn La kết nối, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ảnh: Báo Sơn La

Để phục vụ công tác xuất khẩu, toàn tỉnh đã và đang duy trì 211 mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.000ha, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ các nhà máy chế biến. Hiện toàn tỉnh đã có 28 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Tỉnh Sơn La đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, như: chè, tinh bột sắn, cà phê, sữa, đường…

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thời gian qua, Sở Công Thương Sơn La đã phối hợp các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm 2023, sản phẩm của tỉnh đã quảng bá, giới thiệu và xuất khẩu sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ. Nổi bật trong số đó là nông sản Sơn La đã tham dự Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 23 (CAEXPO 2023) tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy là lần đầu tiên tham dự, nhưng gian hàng trưng bày, giới thiệu về tỉnh Sơn La đã được Ban tổ chức hội chợ trao giải thiết kế và tổ chức Khu gian hàng quốc gia ấn tượng nhất.

Thời gian qua, Sở Công Thương còn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thường xuyên cập nhật thông tin thị trường và các quy định xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh định hướng sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của tỉnh.

Về phía các doanh nghiệp, thời gian qua, các doanh nghiệp đã liên kết với người nông dân để xây dựng các chuỗi nông sản xuất khẩu. Đơn cử, Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La đang liên kết với hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn các xã của huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La trồng trên 2.000ha cà phê có chứng nhận RA - chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững. Đây là cơ sở, đảm bảo chất lượng cho thương hiệu Blue Sơn La được thị trường cà phê thế giới đón nhận.

Hoặc, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco Sơn La) đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu gần 12.000ha trên địa bàn các huyện. Năm 2024, Doveco Sơn La dự kiến xuất khẩu khoảng 40.000 tấn sản phẩm sang thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel.

Với nhiều giải pháp tích cực, hoạt động xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La đạt kết quả nổi bật. Sản phẩm nông sản của tỉnh nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đối tác chế biến, xuất khẩu và người tiêu dùng trong và ngoài nước. Năm 2023, giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La ước đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2022. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu, chủ yếu gồm: Cà phê 22.800 tấn, sắn trên 78.000 tấn, chè 10.600 tấn, nhãn trên 5.430 tấn, chanh leo trên 1.400 tấn và chuối trên 4.500 tấn...

Năm 2024, phấn đấu xuất khẩu 186,8 triệu USD hàng nông sản

Bước sang năm 2024, tỉnh Sơn La xác định tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu nông sản gắn với xây dựng thương hiệu. Đồng thời, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xúc tiến thương mại. Tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, bảo quản các sản phẩm chất lượng cao đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Để tiếp tục hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 15/01/2024 về xuất khẩu sản phẩm hàng hóa năm 2024.

Kế hoạch đề ra mục tiêu phát triển xuất khẩu hàng hóa bền vững, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa của tỉnh Sơn La; phát triển xuất khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh Sơn La nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển dịch dần sang xuất khẩu trực tiếp, qua hợp đồng thương mại quốc tế; đẩy mạnh hàng hóa tham gia xuất khẩu góp phần phát triển sản xuất xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, tác động tích cực đến hoạt động chế biến, tiêu thụ hàng hóa có lợi thế của tỉnh tại thị trường trong nước và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững

Nhằm hỗ trợ cho Sơn La xuất khẩu nông sản, mới đây Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã có buổi làm việc về vấn đề hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương ra thị trường quốc tế. Tại buổi làm việc, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ những thông tin hữu ích về diễn biến, tình hình thị trường thế giới, những mặt hàng được ưa chuộng tại một số thị trường lớn; những yêu cầu, tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhập khẩu của các thị trường quốc tế. Đồng thời đánh giá một số sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Sơn La như cà phê và trái cây tươi là những sản phẩm có thế mạnh, thị trường thế giới có nhu cầu cao, có nhiều tiềm năng xuất khẩu ra thế giới nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường nước sở tại.

Năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt 196,1 triệu USD, tăng 5,07% so với năm 2023 (trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, tăng 5,12% so với năm 2023) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới.