LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Thủ tướng: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

21:03 25/04/2024

Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các địa phương, để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều.

Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. 

-4537-1713949643.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP).

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bổ và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các địa phương, "để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều".

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, có thể khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, là yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thông tin về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án như: Đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo; Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; Đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; Thu hút chuyên gia, nhân tài;...

Nhật Linh