LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ

16:00 10/12/2024

Chỉ trong vòng vài năm, hàng trăm triệu người Ấn Độ bắt đầu sở hữu tài khoản giao dịch chứng khoán, đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ...

Song song với đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ, thị trường chứng khoán nước này đã có những bước tiến dài trong những năm gần đây, trở thành một điểm đến nổi bật trong số các thị trường mới nổi trên toàn cầu. Chỉ trong vòng vài năm, hàng trăm triệu người Ấn Độ bắt đầu sở hữu tài khoản giao dịch chứng khoán, đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Để tạo ra lá chắn cho nhà đầu tư trước các vụ lừa đảo chứng khoán và biến động khó lường của thị trường, nhà chức trách Ấn Độ chú trọng việc cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư.

Sự đông đúc và náo nhiệt trên đường phố Mumbai - nơi đặt hai sàn giao dịch chứng khoán khổng lồ của Ấn Độ - là một dấu hiệu của nền kinh tế đang trong thời kỳ sung sức.

Với dân số 1,45 tỷ người, Ấn Độ năm nay đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Sở hữu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công còn thấp và thế mạnh về công nghệ, Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8,2% trong năm tài khóa 2023-2024, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

NỀN KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÙNG BỨT PHÁ

Định chế có trụ sở ở Washington dự báo kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7% trong tài khóa 2024-2025 và sẽ duy trì nhịp tăng trưởng mạnh trong tài khóa 2026-2027.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới trong năm 2025, đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Đức.

Việc Thủ tướng Narendra Modi giành thêm nhiệm kỳ thứ ba sau cuộc bầu cử gần đây cũng là một yếu tố tích cực đối với chứng khoán Ấn Độ, bởi các chính sách của ông được đánh giá là ổn định và thân thiện với thị trường.

Tháng 7/2024, Ấn Độ trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 5 thế giới, với giá trị vốn hóa vượt mức 5 nghìn tỷ USD. Nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor India, một liên doanh giữa hãng Hyundai của Hàn Quốc, vào tháng 10/2024 đã đánh dấu vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất từ trước tới nay ở Ấn Độ, huy động được 3,3 tỷ USD.

Trong cuộc gặp với đoàn báo chí đến từ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thăm Ấn Độ, ông Sundararaman Ramamurthy, Tổng giám đốc (CEO) của Sở giao dịch chứng khoán Bombay (BSE), cho biết nước này hiện có 200 triệu nhà đầu tư chứng khoán, tăng gấp 4 lần so với con số 50 triệu nhà đầu tư ở thời điểm cách đây 4 năm, khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Tượng bò ở Sở Giao dịch chứng khoán Bombay (BSE) ở Mumbai, Ấn Độ - Ảnh: Kiều Oanh.Tượng bò ở Sở Giao dịch chứng khoán Bombay (BSE) ở Mumbai, Ấn Độ - Ảnh: Kiều Oanh.

“So với dân số hơn 1,4 tỷ người, con số 200 triệu nhà đầu tư chứng khoán Ấn Độ hiện nay chưa phải là lớn. Nhưng sự gia tăng trong những năm qua là rất mạnh mẽ”, ông Ramamurthy nhận định.

Vị CEO cho rằng ngoài tăng trưởng kinh tế, từ năm 1992 đến nay, còn có 3 yếu tố quan trọng khác thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Ấn Độ đến nay. Thứ nhất, cải cách về công nghệ viễn thông, giúp việc giao dịch chứng khoán diễn ra thuận tiện và đáng tin cậy hơn. Thứ hai, các cải cách trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng theo hướng mang lại lợi ích cho người dùng cuối cùng. Thứ ba, cải cách về quy chế giám sát, đặc biệt là các quy chế về bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cá nhân.

Ông Ramamurthy gọi sự phát triển bùng nổ của thị trường chứng khoán Ấn Độ là cuộc “dân chủ hóa” về tiếp cận thị trường vốn, nhưng đi kèm với sự phát triển đó là những rủi ro lớn và nhà đầu tư phải đối mặt. “Năm 1992, có 7.000 công ty niêm yết ở Ấn Độ, rải rác trên hơn 20 sàn giao dịch chứng khoán. Mỗi ngày, thị trường khi đó chỉ giao dịch 2 giờ rưỡi. Nhà đầu tư nước ngoài gần như không có. Cứ tầm khoảng 2 năm, thậm chí là hàng năm, luôn có một vụ gian lận chứng khoán quy mô lớn”, ông Ramamurthy cho biết.

GIÁO DỤC NHÀ ĐẦU TƯ TẠO LÁ CHẮN BẢO VỆ

Hiện nay, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã thống nhất, với hai sàn giao dịch là BSE và Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) đều đặt ở Mumbai, cùng khoảng 2.000 công ty môi giới chứng khoán và 6.000 công ty niêm yết. Mỗi ngày, riêng BSE (sàn giao dịch chứng khoán lâu đời nhất ở châu Á, hiện đã tròn 150 tuổi) xử lý hơn 7 nghìn tỷ lệnh giao dịch chứng khoán phái sinh.

Chỉ số BSE Sensex, một thước đo chính của chứng khoán Ấn Độ, đã tăng hơn 13% trong năm nay. Hồi tháng 9, chỉ số này đạt mức kỷ lục gần 86.000 điểm. Một chỉ số chính khác là Nifty 50 cũng đạt mức tăng trưởng gần 14% từ đầu năm. Trong vòng 5 năm, hai chỉ số này đều đã tăng hơn gấp đôi. Hệ số giá/lợi nhuận dự phóng (P/E) của chỉ số Sensex hiện ở mức hơn 20 lần, so với mức chỉ 10-12 lần ở hầu hết các thị trường mới nổi khác. Bởi vậy, bên cạnh gian lận, một rủi ro lớn đối với nhà đầu tư chứng khoán Ấn Độ hiện nay là định giá cổ phiếu bị đẩy lên cao.

Nhà đầu tư trong và ngoài nước đều không muốn bỏ lỡ cơ hội trên thị trường chứng khoán Ấn Độ. Trong bối cảnh như vậy, bảo vệ nhà đầu tư - nhất là nhà đầu tư cá nhân, trong đó có nhiều người trẻ, nội trợ và hưu trí sẵn sàng dốc hết tiền tiết kiệm vào cổ phiếu - trở thành một vấn đề cấp bách đối với nhà chức trách.

Cơ quan giám sát thị trường chứng khoán Ấn Độ là Hội đồng Sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ (SEBI) do Quốc hội thành lập vào năm 1988. Từ khi ra đời, SEBI được giao sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn và bảo vệ nhà đầu tư cá nhân.

Theo số liệu ông Ramamurthy đưa ra, 83% số nhà đầu tư chứng khoán Ấn Độ hiện nay là người dưới 40 tuổi và 73% sinh sống tại những thành phố nhỏ. “Quyền tiếp cận thị trường vốn đã được dân chủ hóa. Vậy làm thế nào để dân chủ hóa quyền tiếp cận thông tin? Dân chủ hóa thông tin là tất cả các nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ đều phải nhận được thông tin đồng thời mà không phải mất một chi phí nào”, ông chia sẻ.

Để đảm bảo bình đẳng thông tin cho nhà đầu tư, nhà chức trách Ấn Độ thực thi nghiêm ngặt quy định tất cả các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin kịp thời trên website của sàn giao dịch trong khung thời gian nhất định. Biện pháp này giúp bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể tiếp cận thông tin không chậm trễ và không tốn một chi phí nào. Các chương trình giáo dục nhà đầu tư cũng được đẩy mạnh.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không một nhà đầu tư nào sẽ mua bán những cổ phiếu hay sản phẩm chứng khoán mà họ không hiểu rõ. Để làm được như vậy, mỗi năm chúng tôi tổ chức khoảng 14.000 hội thảo thực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc để cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư. Chúng tôi gửi tin nhắn SMS về thị trường hàng ngày đến nhà đầu tư. Chúng tôi làm những video tư vấn nhà đầu tư nên và không nên làm gì”, ông Ramamurthy cho hay.

“NHU CẦU VÀNG CỦA NGƯỜI ẤN ĐỘ SẼ GIẢM DẦN”

“Chúng tôi không muốn nhà đầu tư tất tay vào một cổ phiếu nào đó để rồi có ngày trắng tay nếu cổ phiếu đó bị ngừng giao dịch. Vì vậy, chúng tôi dành một ngân sách lớn để giáo dục nhà đầu tư. Mỗi video tư vấn của chúng tôi đều có hàng triệu lượt xem”.

Ông Sundararaman Ramamurthy, Tổng giám đốc (CEO) của Sở giao dịch chứng khoán Bombay (BSE). Ảnh: Kiều Oanh.Ông Sundararaman Ramamurthy, Tổng giám đốc (CEO) của Sở giao dịch chứng khoán Bombay (BSE). Ảnh: Kiều Oanh.

Ông Ramamurthy ước tính đến năm 2047, Ấn Độ sẽ có khoảng 1 tỷ người trong độ tuổi có thu nhập từ 20-60 tuổi, và GDP của Ấn Độ có thể tăng từ mức 3,5 nghìn tỷ USD hiện nay lên 30-40 nghìn tỷ USD. “Ở các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ giữa giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán so với GDP thường là 1,2-1,3 lần, còn ở Ấn Độ hiện nay, tỷ lệ này vào khoảng 1,1 lần. Như vậy, đến năm 2047, thị trường chứng khoán Ấn Độ hoàn toàn có khả năng đạt quy mô vốn hóa 40-50 nghìn tỷ USD”, ông cho biết.

Trong cuộc trao đổi với các nhà báo ASEAN, ông Ramamurthy cũng đề cập đến tác động của cơn sốt vàng năm 2024 tới thị trường chứng khoán Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng vật chất nhiều thứ hai thế giới với nhu cầu khoảng 800 tấn vàng mỗi năm. Việc nhu cầu nắm giữ vàng của nhà đầu tư Ấn Độ gia tăng trong năm nay có tác động bất lợi tới đà tăng trưởng của chứng khoán nước này, bởi dòng tiền đổ vào cổ phiếu sẽ ít hơn so với trong trường hợp nhu cầu vàng suy giảm.

Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ sẽ giảm dần do sự xuất hiện của các sản phẩm đầu tư mới dựa trên vàng. Chính phủ Ấn Độ phát hành trái phiếu vàng quốc gia (sovereign gold bond) để hút bớt dòng vốn từ thị trường vàng vật chất. Ngoài ra, trên các sàn giao dịch hàng hóa ở Ấn Độ cũng có các sản phẩm vàng phái sinh để nhà đầu tư có thể đặt cược vào vàng mà không phải mua vàng vật chất.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các quỹ tương hỗ ở Ấn Độ cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, dẫn tới nhu cầu nắm giữ vàng vật chất có thể giảm theo thời gian. “Theo hiểu biết và cảm nhận của tôi, khi một nền kinh tế phát triển lên, mối quan tâm đối với vàng vật chất sẽ giảm xuống và mối quan tâm đối với các sản phẩm tài chính khác sẽ tăng lên”, ông Ramamurthy chia sẻ.

“Trong các chương trình giáo dục nhà đầu tư, chúng tôi nhấn mạnh hai vấn đề lên kế hoạch tài chính và đa dạng hóa danh mục. Không có một con số cụ thể nào cho tất cả các nhà đầu tư, nhưng ở Ấn Độ, tôi thường thấy các nhà tư vấn đưa ra lời khuyên rằng lấy 100 trừ đi số tuổi của bạn sẽ ra tỷ trọng cổ phiếu mà bạn nên nắm giữ trong danh mục. Chẳng hạn, tôi 63 tuổi, thì 37% danh mục của tôi nên là cổ phiếu. Phần lớn số còn lại nên là trái phiếu và một tỷ trọng rất nhỏ dành cho vàng”, ông Ramamurthy cho hay.