LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chứng khoán ‘hụt hơi’... trước những tin tốt

16:40 19/12/2024

Trái với kỳ vọng của nhà đầu tư sau phiên giao dịch bùng nổ theo đà với điểm số và thanh khoản tăng vọt của VN-Index, thị trường chứng khoán tiếp tục biến động lình xình trong biên độ hẹp, mặc dù thị trường ngập tràn các tin tức tốt về vĩ mô, chính sách.

VN-Index vừa trải qua tuần giao dịch 9-13/12 không mấy tích cực với 4/5 phiên giảm điểm, sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp, trước áp lực chốt lời gia tăng trong khi lực cầu yếu.

Tin tốt nhiều nhưng thị trường không tăng

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng quay trở lại, thể hiện ở việc thanh khoản giao dịch giảm 12% so với tuần trước đó, trong khi nhà đầu tư ngoại bán ròng 1.207 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Như vậy, trái với kỳ vọng của nhà đầu tư sau phiên giao dịch bùng nổ theo đà với điểm số và thanh khoản tăng vọt của VN-Index, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục biến động lình xình trong biên độ hẹp.

Đáng nói, sự “hụt hơi” của VN-Index lại diễn ra trong bối cảnh TTCK ngập tràn các tin tức tốt về vĩ mô, chính sách.

Vậy điều gì đang diễn ra?

-1453-1734342300.jpg

VN-Index “hụt hơi” trong bối cảnh TTCK ngập tràn các tin tức tốt về vĩ mô, chính sách.

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh Chứng khoán DSC, có một vài phiên nhất định, tiền vào khởi sắc vì có thể tâm lý nhà đầu cơ sốt ruột và FOMO khi VN-Index quá kém so với các thị trường khác, song vẫn không thể duy trì động lượng sau đó. Việc này cũng sẽ tiềm ẩn nguy hiểm nếu tiền không được cuốn vào, dòng tiền ngắn hạn mất kiên nhẫn khả năng sẽ tiến hành cắt lỗ khiến thị trường càng ảm đạm.

“Xét trong ngắn hạn, dòng tiền trên TTCK đang kém tích cực, VN-Index hồi về gần vùng đỉnh cũ với thanh khoản yếu. Lực cung ghi nhận không quá lớn vì người bán cũng không tìm được lý do bán quyết liệt khi các TTCK trên thế giới vẫn rất khỏe”, ông Huy nhận định.

Còn ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích tại New World Group cho rằng có 2 nguyên nhân khiến VN-Index hụt hơi tại tuần giao dịch vừa qua. Trong đó, việc các thị trường lớn như Mỹ liên tục điều chỉnh từ đầu tháng đến nay đã ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của các nhà đầu tư. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng không “khá khẩm” hơn khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục đi ngang, còn chứng khoán Hàn Quốc vẫn chưa thoát khỏi xu hướng downtrend do những bất ổn về chính trị.

Ngoài ra, việc chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 loại tiền tệ lớn khác) tăng trở lại 5 phiên gần đây và dao động quanh mức 107 điểm cũng tác động đến xu hướng mua/bán của các nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại.

Chưa kể tâm lý ngại mua và bảo toàn lợi nhuận vùng đỉnh trong thị trường đi ngang cũng là yếu tố khiến thị trường không thể bứt phá trong tuần vừa qua.

Dù vậy, chuyên gia New World Group vẫn tin rằng việc thị trường đi lùi cùng thanh khoản thấp trong gần một tuần vừa qua không phải dấu hiệu của thị trường downtrend.

Thị trường vẫn đầy kỳ vọng?

Trước mắt, kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và xu hướng "đón sóng" Tết Nguyên đán sẽ là 2 câu chuyện ngắn hạn. Giới phân tích cho rằng thời điểm cuối năm, dòng tiền vẫn có thể len lỏi đi tìm một số nhóm ngành nhất định thuộc về mùa vụ như tiêu dùng, bán lẻ…, hoặc câu chuyện ra báo cáo.

Tuy nhiên, với diễn biến thanh khoản “teo tóp” như hiện tại, nhà đầu tư vẫn nên kiên nhẫn và chờ đợi cơ hội mới lớn hơn khi thị trường chiết khấu đủ sâu và dòng tiền trên thị trường quay trở lại mạnh mẽ giống như phiên 5/12.

"Rủi ro và cơ hội tồn tại song hành, đòi hỏi nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch linh hoạt. Nên tập trung vào các mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, doanh nghiệp hoạt động ổn định, triển vọng lợi nhuận tích cực. Hạn chế tâm lý chạy theo xu hướng ngắn hạn sẽ giúp nhà đầu tư vượt qua giai đoạn biến động", ông Võ Kim Phụng, Trưởng phòng phân tích chứng khoán BETA nêu quan điểm.

Dù vậy, xu hướng trung, dài hạn vẫn tương đối tích cực và nhà đầu tư cần tập trung đánh giá lại danh mục đầu tư cũng như lên chiến lược phân bổ tỷ trọng vào các ngành cổ phiếu tiềm năng.

Theo quan điểm của ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở Mirae Asset, thị trường đã có nhiều nỗ lực đáng kể xét trong 1 tháng trở lại đây khi VN-Index đã tăng gần 80 điểm trong thời gian khá ngắn sau khi điều chỉnh về 1.200 điểm, nên các phiên giao dịch gần đây mang yếu tố tích luỹ trở lại. Thanh khoản thấp trong bối cảnh này là bình thường và phù hợp với bối cảnh dòng tiền hiện tại và xu hướng hồi phục ngắn hạn chưa có nhiều thay đổi trong tuần vừa rồi.

Đà tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn có thể quay trở lại sớm với sự dẫn dắt vẫn sẽ đến từ ngành mang tính trụ cột như ngân hàng sau khi đã có nhịp điều chỉnh mang tính hấp thụ lượng cung chốt lời ngắn. Thực tế là trong năm tài chính hiện tại, ông Toàn cho rằng nhóm ngân hàng với đặc tính vốn hóa lớn nhất luôn kích hoạt mọi đợt tăng của thị trường chung. Hơn nữa, trong tháng 12 này dự kiến sẽ là đợt hạ lãi suất thêm 0,25-0,5% từ FED nên sẽ phần nào cởi trói tâm lý của thị trường chung, giúp thanh khoản sẽ cải thiện và gia tăng trở lại. Ngoài ra, động thái bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam đang hạ nhiệt đáng kể trong thời gian gần đây cũng giảm đi trở ngại tăng điểm của thị trường.

Theo chuyên gia đến từ Mirae Asset, thị trường đã xuất hiện một phiên thu hút cầu mạnh và điểm số tăng rất ấn tượng vào ngày 5/12. Điều này giải thích rằng “lực cầu tiềm năng” ở thị trường vẫn tốt nhưng do yếu tố chu kỳ cuối năm và sự đồng pha giữa các nhóm cổ phiếu còn rất yếu nên chưa thể cải thiện dòng tiền mới vào thị trường, sự phân hóa vẫn khá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Ông Toàn đánh giá thanh khoản và dòng tiền sẽ cải thiện vào năm sau khi mà các câu chuyện tăng trưởng của nền kinh tế và các ngành sẽ rõ hơn sau quá trình hồi phục sẽ kích hoạt dòng tiền vào TTCK mạnh hơn.

Trong báo cáo mới đây, ông Nguyễn Quang Hưng, CFA Chuyên gia Kinh tế cấp cao Dragon Capital cho rằng thị trường hiện tại đã phản ánh phần lớn những bất ổn hiện hữu. Tính đến cuối tháng 11, chỉ số giao dịch ở mức P/E 12 tháng gần nhất là 13,7 lần và P/E dự phóng năm 2024 là 11,8 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình năm 2018 (19 lần) và mức trung bình 5 năm (17,1 lần). P/E dự phóng năm 2025 ở mức khoảng 10 lần.

“Dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng tích cực. Kỳ vọng triển khai hệ thống giao dịch KRX và tiến trình nâng hạng lên thị trường mới nổi dự báo sẽ thu hút thêm sự quan tâm từ nhà đầu tư”, chuyên gia Dragon Capital nêu.

Hải Giang