Tại Hội thảo “Thúc đẩy giáo dục STEM: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn giáo dục Study Group (Vương quốc Anh) tổ chức, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số, khi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và phát triển một cách nhanh chóng.
“Việc xây dựng một thế hệ nhân lực Việt Nam sẵn sàng cho tương lai, được trang bị tư duy đổi mới, kỹ năng công nghệ, và khả năng thích nghi với nền kinh tế số là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc thúc đẩy giáo dục các khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) đang được các quốc gia, trong đó có Việt Nam coi là một trong các giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai…”- Phó giám đốc NIC nhấn mạnh.
Báo cáo về tình hình lao động việc làm Quý I/2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố cho thấy: Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I.2025 là 1,72%.(Trong đó, khu vực thành thị là 0,98% và khu vực nông thôn là 2,21%).
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2025 là 2,20% (Trong đó, khu vực thành thị là 2,38% và khu vực nông thôn là 2,07%). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi trong quý I.2025 là 7,93%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh kỷ nguyên số, khi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và phát triển một cách nhanh chóng thì cả nước chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo, có bằng chứng chỉ, thiếu cả về số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những người kiếm được hàng tỷ USD nhờ internet không phải là những người chỉ hiểu kỹ thuật, mà là những người biết cách nghĩ khác đi và tìm ra hướng khai thác công nghệ khi nó còn rất mới. Khi internet lần đầu xuất hiện, không ai thật sự biết nên làm gì với nó. Ban đầu nó chỉ dùng cho việc trao đổi thông tin rất cơ bản, nhưng hôm nay internet đã thay đổi mọi thứ. AI hiện nay còn chưa thật sự bắt đầu, nên cơ hội để khám phá và định hình cách nó được dùng trong tương lai vẫn còn rộng mở. Và chính vì vậy, lợi thế lớn nhất của việc theo học các ngành STEM và có được trải nghiệm quốc tế, đó là bạn sẽ thuộc nhóm những người có thể tạo ra các ứng dụng thực sự đột phá cho AI trong những năm tới…
Đầu tư cho việc học để không bị AI ..."đẩy ra đường"Theo ông Ian Crichton, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Study Group, điều quan trọng nhất lúc này là phải có "năng lực học hỏi" — hay nói cách khác, là phải có khả năng học tập một cách chủ động và liên tục.
“Bây giờ, việc biết đọc, biết viết và sử dụng tốt các công cụ thông tin – tức là "có kỹ năng đọc – viết và công nghệ" – là cực kỳ quan trọng. Bạn cần giỏi ngôn ngữ mẹ đẻ để có thể giao tiếp hiệu quả với những người xung quanh. Bên cạnh đó, nên học thêm một ngoại ngữ — lý tưởng nhất là tiếng Anh — để có thể giao tiếp toàn cầu và tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội quốc tế…”- ông Ian Crichton đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra các bạn trẻ cũng cần thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ – hiểu cách vận hành của chúng, và biết khai thác chúng phục vụ cho công việc.
“Và cuối cùng, bạn phải sẵn sàng và tự tin trong việc tương tác với con người, vì ngày nay rất ít công việc có thể làm mà không cần giao tiếp hay làm việc nhóm với người khác…”- Ông Ian Crichton chia sẻ thêm.
Trả lời cho câu hỏi: “Liệu AI có thể thay thế người lao động không?”, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Study Group cho rằng AI sẽ đẩy người lao động ra khỏi vị trí cũ (displace) chứ không hoàn toàn thay thế (replace) họ.
“Có nghĩa là AI không thay thế con người theo cách tuyệt đối, mà nó thay đổi bản chất của công việc — khiến người lao động phải dịch chuyển sang một lĩnh vực khác, hoặc đảm nhận vai trò khác…”- Ông Ian Crichton giải thích.

Đồng thời lưu ý: AI vừa mang đến cơ hội, vừa ẩn chứa rủi ro. Lấy ví dụ trong ngành y tế, đặc biệt là chẩn đoán những bệnh hiếm gặp. Ông Ian Crichton cho rằng công việc của bác sĩ trong việc đọc ảnh chụp sẽ bị thay thế bởi AI, nhưng thực chất, AI chỉ thay thế một phần công việc – phần chuyên biệt mà nó được huấn luyện để làm. AI không thể xử lý những vấn đề tổng quát hơn, hoặc những bệnh khác nằm ngoài phạm vi được đào tạo.
“Do đó, công việc không biến mất hoàn toàn, mà được tái cấu trúc, tái phân bổ. AI sẽ lo phần chuyên môn hóa cao, còn con người cần đóng vai trò kiểm soát tổng thể, liên kết các vấn đề khác nhau, hoặc xử lý các tình huống phức tạp hơn mà AI chưa thể làm được….”- Tổng Giám đốc Study Group, khẳng định.
Đồng thời cho rằng, điều này đặt ra một yêu cầu rõ ràng cho người trẻ ở Việt Nam. “Họ cần phải đầu tư nghiêm túc cả về thời gian và nếu có thể, là cả tiền bạc để trang bị kỹ năng và kiến thức ngay từ sớm, nếu họ muốn thực sự tham gia và hưởng lợi từ các cơ hội mà những công việc mới của thời đại mang lại…”- Ông Ian Crichton khuyến nghị.