(TBTCO) - Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học công nghệ. Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Sáng 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
Lấy kết quả, hiệu quả làm cơ sở phân bổ nguồn lựcTại dự thảo Luật, KH,CN&ĐMST được xác định là động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại. Phát triển KH,CN&ĐMST hài hoà với môi trường, giá trị đạo đức xã hội và con người, đồng thời bảo đảm sự kết nối và cân bằng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; tôn trọng tính tự chủ và sáng tạo của các nhà khoa học, nhà công nghệ.
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày, dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KH,CN&ĐMST; thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Đặc biệt, tại dự thảo, lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào và đứng ngang với KHCN. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động ĐMST, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo đó, doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển KH,CN&ĐMST của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào KH,CN&ĐMST (kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo). Các nội dung chi ngoài Quỹ của doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo được tính là 150% chi phí để trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là được tính là 200% chi phí để trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi khoản chi đó trực tiếp phục vụ cho việc phát triển các công nghệ chiến lược.
Dự thảo cũng quy định nhiều cơ chế mới về tài chính ngân sách để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho KH,CN&ĐMST. Trong đó, điểm quan trọng nhất về tài chính cho KH,CN&ĐMST là thay đổi triết lý theo hướng phải đánh giá kết quả, hiệu quả cuối cùng của hoạt động KH,CN&ĐMST làm cơ sở để nhà nước phân bổ nguồn lực. Nhà nước sẽ đầu tư nguồn lực KH,CN&ĐMST cho chủ thể, hoạt động có tác động chính đến tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, sẽ thực hiện cơ chế cấp kinh phí cho nhiệm vụ KH,CN&ĐMST thông thoáng hơn qua cơ chế quỹ gắn với hậu kiểm. Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cộng với các biện pháp khuyến khích, ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KH,CN&ĐMST đạt tỷ lệ trên 60% tổng đầu tư toàn xã hội.
Cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm.
Theo cơ quan soạn thảo, sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù, rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu. Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hoá, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Điều này đã gỡ một điểm nghẽn lớn kéo dài trong thời gian qua. Việc tổ chức chủ trì được sở hữu kết quả nghiên cứu sẽ tạo sự chủ động trong việc thương mại hoá, ngay sau khi kết thúc nghiên cứu.
Dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm tại Việt Nam. Dự thảo Luật cũng đặc biệt bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó quy đinh cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài.
Đối với thủ tục hành chính, dự thảo Luật KH,CN&ĐMST đã bỏ 9 trong tổng số 11 thủ tục hành chính so với Luật cũ. Do dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lĩnh vực ĐMST nên đã bổ sung 4 thủ tục hành chính để quản lý các đối tượng mới và công nhận để tạo điều kiện cho các tổ chức được hưởng các ưu đãi của pháp luật về thuế và đầu tư.
Như vậy, hiện dự thảo Luật quy định 6 thủ tục hành chính. Cụ thể là: Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; Đăng ký công nhận trung tâm nghiên cứu và phát triển; Công nhận cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp; Công nhận tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Công nhận trung tâm đổi mới sáng tạo; Tuyển chọn, xét tài trợ, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST, dự thảo Luật đề xuất sửa một số điều liên quan đến 14 luật. Trong đó có các luật: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…