(TBTCO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, đề xuất quy định bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối và thuế hỗn hợp như quy định của nhiều nước trên thế giới đang duy trì cả 3 phương pháp tính thuế, thay vì chỉ áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm như hiện nay.
Nhiều quốc gia áp dụng cả 3 phương pháp tính thuế
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từng giai đoạn. Qua 16 năm thực hiện, Luật Thuế TTĐB đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế TTĐB trong giai đoạn qua, cùng với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tại dự thảo đề xuất sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đã đề nghị sửa quy định về căn cứ tính thuế.
Về căn cứ tính thuế TTĐB, theo quy định hiện hành, căn cứ tính thuế chỉ áp dụng đối với phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm. Bộ Tài chính cho biết, kinh nghiệm quốc tế trên thế giới các nước đang áp dụng 3 phương pháp tính thuế bao gồm: Áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm; áp dụng mức thu tuyệt đối và áp dụng đồng thời cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thu tuyệt đối (phương thức hỗn hợp).
Ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp (kết hợp thuế tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối) đối với thuốc lá để giảm thiểu tác hại của thuốc lá giá rẻ, thấp cấp đối với sức khỏe cộng đồng. Số lượng các nước áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp đối với thuốc lá tăng từ 48 nước năm 2008 lên 65 nước năm 2021.
Để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như bối cảnh của Việt Nam về hạn chế tiếp cận của giới trẻ, người có thu nhập thấp với thuốc lá giá rẻ cũng như giảm thiểu tác hại của thuốc lá giá rẻ, thấp cấp đối với sức khỏe cộng đồng, cần thiết áp dụng thuế hỗn hợp (bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá), đồng thời sửa đổi, bổ sung căn cứ tính thuế để bao quát trường hợp bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng thuế hỗn hợp. Theo đó, căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế TTĐB phải nộp bằng giá tính thuế TTĐB nhân với thuế suất thuế TTĐB.
Căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối là lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và mức thuế tuyệt đối. Số thuế TTĐB phải nộp bằng lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối. Căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp là tổng của số thuế TTĐB phải nộp theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế tuyệt đối theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này.
Quy định rõ giá tính thuế đối với nhiều hàng hóa đặc biệt
Về giá tính thuế, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định rõ về giá tính thuế đối với kinh doanh golf để luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật như sau: “Đối với kinh doanh golf (bao gồm cả kinh doanh sân tập golf) là giá bán thẻ hội viên, giá bán vé chơi golf bao gồm cả tiền phí chơi golf, tiền bán vé tập golf, tiền bảo dưỡng sân cỏ, hoạt động cho thuê xe (buggy) và thuê người giúp việc trong khi chơi golf và tiền ký quỹ (nếu có) và các khoản thu khác liên quan đến chơi golf do người chơi golf, hội viên trả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh golf”.
Sửa Luật phải đáp ứng đa mục tiêu
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI, một sắc thuế TTĐB tốt ngoài các mục tiêu như định hướng hành vi tiêu dùng, tăng thu ngân sách thì cần tính tới các yếu tố: tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc sửa Luật Thuế TTĐB lần này phải đáp ứng được những yêu cầu trên.
Ngoài ra, sửa đổi quy định rõ giá tính thuế đối với kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược là doanh thu từ hoạt động này trừ số tiền đã trả thưởng cho khách và số tiền đổi trả cho khách không sử dụng hết (nếu có). Sửa đổi quy định rõ giá tính thuế đối với kinh doanh vũ trường, massage, karaoke là doanh thu của các hoạt động kinh doanh trong vũ trường, kinh doanh massage, karaoke bao gồm cả doanh thu của dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác đi kèm để luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật.
Đồng thời, bổ sung quy định giá tính thuế đối với kinh doanh xổ số thì giá tính thuế TTĐB là doanh thu bán vé các loại hình xổ số được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này (tương tự như đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi hoặc tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho).
Đối với mặt hàng thuốc lá, bổ sung quy định “Đối với mặt hàng thuốc lá, giá tính thuế TTĐB bao gồm cả khoản đóng góp bắt buộc và kinh phí hỗ trợ quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá” để phù hợp quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và luật hóa quy định đang thực hiện ổn định.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI, một sắc thuế TTĐB tốt ngoài các mục tiêu như định hướng hành vi tiêu dùng, tăng thu ngân sách thì cần tính tới các yếu tố: tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc sửa Luật thuế TTĐB lần này phải đáp ứng được những yêu cầu trên.
Cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết
Cải cách cơ cấu thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có thuốc lá theo hướng không khuyến khích sử dụng, nhằm giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe được dư luận đồng tình. Theo đó, việc tính thuế chuyển sang hệ thống hỗn hợp và dùng yếu tố thuế tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý. Đồng thời, cần tăng thuế từ từ, có lộ trình dài hạn, minh bạch là ý kiến được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình.
Đánh thuế ra sao vừa đảm bảo hài hòa các lợi ích, giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, đã yêu cầu nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB như thuốc lá.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thế giới hiện phổ biến 3 phương thức đánh thuế TTĐB. Đó là: cơ cấu thuế tương đối theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán, cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong 3 phương thức, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối là đông nhất (66 quốc gia), thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỷ lệ phần trăm (47 quốc gia). So với gần 15 năm trước (2008) thì cách tính thuế hỗn hợp có sự gia tăng về số lượng quốc gia chọn lựa.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết, để các doanh nghiệp có thể điều chỉnh, sắp xếp hoạt động kinh doanh, ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.