Ngân hàng UOB vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 lên 7% (trước đó là 6,6%). Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam là 6,5 - 7% năm 2025, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% với sự hỗ trợ từ việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.
"Dựa trên cách tiếp cận tập trung vào kỷ luật tài chính và cách đầu tư công đã được giải ngân đến nay, mục tiêu 8% khá tham vọng, nhưng vẫn có những dư địa để đạt được", đại diện UOB nhận định.
Chế biến sản phẩm xoài xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP Rau quả An Giang (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVNDựa trên động lực mạnh mẽ được tiếp nối từ năm 2024 kết hợp với việc xem xét những rủi ro và tác động ngược từ các cuộc xung đột thương mại sắp tới từ chính quyền mới của Hoa Kỳ, phía UOB kỳ vọng những chuyến biến tích cực từ các động lực trong nước như: Sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt trong nửa đầu năm 2025.
Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm cho biết, thực hiện đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… sẽ là những động lực lớn để tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Đề cập về mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số (tối thiểu là 10%) trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ xác định tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế. Đây là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao.
"Đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đến hết tháng 6/2025 cho các doanh nghiệp triển khai. Việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ ngay cho người dân để có thể mua được hàng hóa nhiều hơn, thực hiện kích cầu trong nước", lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Kỳ vọng đầu tư công là động lực chính thúc đẩy tăng trưởngNhấn mạnh đến việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, bộ, ngành, địa phương sẽ phải giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295.000 tỷ đồng năm 2025, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300.000 tỷ đồng.
"Đây là con số lớn, nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng", ông Nguyễn Đức Tâm cho biết.
Năm 2025 được xác định sẽ là năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện. Theo đó, Việt Nam sẽ có các giải pháp tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó có thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Cụ thể, phấn đấu thu hút 120 - 130 triệu lượt khách du lịch trong nước và khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Đây là một trong những nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng. Đối với xuất khẩu, sẽ đẩy mạnh 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó có thị trường hàng hóa Halal. Bên cạnh những động lực tăng trưởng truyền thống, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới, đó là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia.
Trong các kịch bản tăng trưởng, nếu không thúc đẩy sự gia tăng của khu vực doanh nghiệp tư nhân, các mục tiêu sẽ trở nên khó khăn. Thậm chí, bài toán tăng trưởng trên 8% và cao hơn sẽ là thách thức.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đề xuất các nhóm chính sách để đạt được kịch bản tăng trưởng cao nhất năm 2025, như: Ổn định kinh tế vĩ mô với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, tránh tư duy nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong tăng trưởng; cải cách và tinh gọn bộ máy Nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý Nhà nước hiệu lực, hiệu quả...
Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa đẩy mạnh đầu tư công vẫn còn nhiều. Bức tranh về ngân sách Nhà nước và nợ công của Việt Nam hiện ở trạng thái tích cực, từ đó tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ và thúc đẩy chi tiêu đầu tư công.
Bên cạnh đó, tầm nhìn của Chính phủ về tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 - 8,5%/năm. Do vậy, yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP này phần lớn sẽ đến từ các hoạt động giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, khi các luật mới ban hành có hiệu lực.
Còn theo ABCS, thành viên của SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn Thế giới), 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt Bắc Nam...
(Theo Báo Tin tức)