Trong bối cảnh thế giới đã bước qua một phần tư thế kỷ 21, tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo chuyên sâu về các quốc gia đang phát triển, trong đó nêu bật Việt Nam như một hình mẫu tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Theo báo cáo này, hành trình phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thế kỷ 21 không chỉ phản ánh năng lực quản lý và hoạch định chính sách hiệu quả, mà còn mở ra những bài học quan trọng cho các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.
Theo World Bank, Việt Nam là hình mẫu tiêu biểu trong phát triển kinh tế thế kỷ 21, đặc biệt là trong số các quốc gia đang phát triển. Ảnh minh họaHành trình thoát nghèo và vươn lên mạnh mẽ
Vào năm 2000, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập thấp, với GDP bình quân đầu người thấp hơn đáng kể so với trung bình của các nước đang phát triển. Thời điểm ấy, đất nước ta bắt đầu thế kỷ 21 trong tình trạng nghèo đói, với nguồn lực kinh tế hạn chế và những thách thức lớn về cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỷ, Việt Nam đã đạt được những bước tiến thần kỳ. Năm 2009, nước ta chính thức chuyển sang nhóm các nước có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người gần như gấp đôi so với thời điểm đầu thế kỷ. Đến năm 2025, thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.180 USD, tăng hơn 10 lần so với mức 380 USD năm 2000. Xét trong số 39 quốc gia có "bước nhảy vọt" về xếp hạng kinh tế của World Bank, Việt Nam hiện xếp thứ 8 về quy mô nền kinh tế.
World Bank đặc biệt đánh giá cao tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân đầu người của Việt Nam. Theo tổ chức này, trong giai đoạn từ năm 1991 - 2019, GDP nước ta đạt tăng trưởng trung bình 5,6% mỗi năm, gần gấp đôi so với mức tăng trưởng trước thời kỳ đổi mới. Đây là một trong những chu kỳ tăng trưởng dài nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nước ta, và được duy trì ổn định bất chấp những biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 và đại dịch Covid-19 năm 2020.
World Bank nhận định, điều làm nên sự đặc biệt trong câu chuyện phát triển của Việt Nam chính là sự ổn định kinh tế vĩ mô song hành cùng những cải cách bao trùm xã hội. Trong suốt ba thập kỷ qua, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả lạm phát, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và giảm thiểu các thâm hụt tài khoản vãng lai cũng như tài chính công.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nổi bật ở khả năng giảm nghèo nhanh chóng và hiệu quả. Tỷ lệ dân số sống trong cảnh nghèo đói cùng cực giảm từ 48% năm 1992 xuống dưới 1% vào năm 2020. Theo World Bank, đây là minh chứng rõ nét cho việc các chính sách phát triển không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp dân số.
Bài học kinh nghiệm quý giá cho các quốc gia đang phát triển
Theo đánh giá của World Bank, thành công của Việt Nam bắt nguồn từ sự kiên định trong việc triển khai các cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường kinh doanh và hội nhập kinh tế toàn cầu. Báo cáo chỉ ra 4 yếu tố chính đã giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu trên, đồng thời cũng là 4 bài học kinh nghiệm quý giá cho các quốc gia trong giai đoạn thoát nghèo:
Đẩy mạnh đầu tư vào con người và cơ sở hạ tầng là một trong 4 yếu tố góp phần vào sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 21. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ.Một là, cải cách kinh tế thị trường: Việt Nam đã chuyển mình từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua các biện pháp tự do hóa thương mại, cải thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, giúp nước ta trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hai là, tăng cường ổn định nền kinh tế vĩ mô: Nhờ những cải cách mạnh mẽ trong chính sách tài khóa và tiền tệ, Việt Nam kiểm soát giá cả, duy trì lãi suất thực dương và ổn định tỷ giá hối đoái từ đầu thế kỷ cho đến nay. Các chính sách này không chỉ tăng cường lòng tin của nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ba là, đẩy mạnh đầu tư vào con người và cơ sở hạ tầng: Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, y tế và năng lượng, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận cho mọi tầng lớp xã hội. Chẳng hạn, việc phổ cập giáo dục tiểu học và trung học, cải thiện dịch vụ y tế công cộng, cùng với việc cung cấp điện cho hơn 99% dân số, đã góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống.
Bốn là, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Theo World Bank, chương trình cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã và đang được triển khai mạnh mẽ, giúp giảm sự phụ thuộc vào khu vực công, đồng thời khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Điều này không chỉ thúc đẩy cạnh tranh mà còn tạo thêm việc làm và nguồn thu cho nền kinh tế nước ta.
Theo World Bank, thành công của Việt Nam không chỉ là kết quả của các biện pháp cải cách nội tại mà còn là khả năng thích nghi và sáng tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những thành tựu đạt được cho thấy một chiến lược phát triển đúng đắn, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Tổ chức này nhận định: Mô hình phát triển của Việt Nam mang lại những bài học quý giá cho các quốc gia đang tìm kiếm con đường thoát nghèo và vươn lên trong bối cảnh thế kỷ 21 đầy biến động. Đây là minh chứng rõ nét rằng sự kết hợp giữa quyết tâm cải cách, quản lý hiệu quả và tầm nhìn chiến lược có thể tạo ra những chuyển đổi ngoạn mục cho bất kỳ quốc gia nào.