Ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Hạnh Nguyên Logistics, cho hay, với mô hình “một điểm đến, đa dịch vụ”, đây sẽ là giải pháp trọn gói cho bài toán logistics, được cho là “chìa khoá” cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Phạm Tiến Hoài, chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao nên mất lợi thế so với nhiều nước trong khu vực. Chi phí này đang chiếm 30%, nên Hạnh Nguyên Logistics đồng hành và hỗ trợ các nhà máy, doanh nghiệp nông thủy sản xuất khẩu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tiết kiệm chi phí trong việc chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam xuống còn 15%.
Đặc biệt là chi phí logistics, cải thiện chất lượng nông sản, tạo ra các thế mạnh giúp cho ngành nông sản Việt đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nông sản của các nước trong khu vực cũng như thế giới, nhất là các mặt hàng trái cây tươi, trái cây chế biến như cấp đông, ép nước cô đặc, trái cây sấy như sầu riêng, xoài, thanh long, chanh dây, mãng cầu xiêm...
Nhà máy chiếu xạ tại Hậu Giang có công suất 1.000 tấn/ngày đêm, với khả năng chiếu xạ nhanh chóng tất cả các mặt hàng nông, thủy hải sản dạng tươi hoặc chế biến.
Nhà máy sử dụng công nghệ E-beam và X-ray, máy gia tốc với hai đầu chiếu độc lập, không sử dụng nguồn phóng xạ nên không để lại dư lượng chất phóng xạ trên sản phẩm, tốc độ xử lý nhanh gấp 3 lần công nghệ cũ và giữ nguyên hương vị tươi ngon tự nhiên và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Bên cạnh đó, chiếu xạ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nhờ vào chuỗi dịch vụ khép kín từ bảo quản sau thu hoạch đến xuất khẩu.
Cùng với việc triển khai máy chiếu xạ, Hạnh Nguyên Logistics cũng nâng cấp hệ thống kho bảo quản lên 23.000 pallets, cung cấp các dịch vụ sơ chế, chế biến, cấp đông, đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP và FSSC 22000 giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam khẳng định, khánh thành nhà máy chiếu xạ của Công ty Hạnh Nguyên Logistics đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành nông nghiệp và logistics Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta đã đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà phát triển này, dự kiến xuất khẩu nông nghiệp sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay. Ông Đào Trọng Khoa cho rằng, thành tựu này chính là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng của ngành nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và bứt phá, cần tập trung vào các giải pháp công nghệ tiên tiến, đồng bộ trong khâu sau thu hoạch, bao gồm chiếu xạ, bảo quản lạnh và chuỗi dịch vụ khép kín mà Hạnh Nguyên Logistics đã tiên phong thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Hạnh Nguyên logistics đầu tư chuỗi dịch vụ giúp gia tăng giá trị, tạo cơ hội doanh nghiệp mở rộng tiềm năng phát triển nông sản. Dự án không chỉ mang lợi ích kinh tế mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Tỉnh tiếp tục cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Tỉnh Hậu Giang với lợi thế đất đai và khí hậu hiền hòa sẽ là trung tâm nông sản, logistics. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có 348 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 4.237 cơ sở cá thể công nghiệp, đóng góp giá trị sản xuất hơn 37.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm tỷ trọng gần 60% trong toàn ngành và tăng gần 10% so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so với cùng kỳ như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu/chi ngân sách, đưa tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2024 tỉnh Hậu Giang ước tính đạt 7,6%.
Hồng Hương