LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới

16:44 09/12/2024

Sự đồng hành của Đảng, Nhà nước và sự quyết tâm của doanh nghiệp sẽ đưa ngành logistics Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đây là chia sẻ của ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được tổ chức sáng 2/12.

Logistics "mở đường" cho thương mại, sản xuất

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – thông tin, logistics là một ngành dịch vụ thiết yếu, đóng vai trò nền tảng quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân; hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển dịch vụ logistics thành thúc đẩy lưu thông hàng hóa Phát triển dịch vụ logistics thành thúc đẩy lưu thông hàng hóa (Ảnh: TTXVN)

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã ghi nhận những kết quả và được thể hiện qua một số con số như sau: Chỉ số hoạt động Logistics (chỉ số LPI) năm 2023 của Việt Nam đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ (theo công bố của Ngân hàng Thế giới) và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN; xếp thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi; tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.

Về hạ tầng, logistics Việt Nam gồm hạ tầng đường bộ chiếm 61-64% hàng hóa vận tải bằng đường bộ; 3.143 km mạng lưới đường sắt và 277 ga, mật độ đường sắt đạt 9,5 km/1.000 km2, đạt mức trung bình ASEAN và thế giới, xếp 58/141 về mật độ mạng lưới. Việt Nam có hơn 17 nghìn km đường thủy nội địa đang khai thác; 310 cảng, 6.274 bến thủy nội địa và 18 cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải trên 3.000 tấn, có 20 cảng có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

Với hệ thống vận tải đường biển, Việt Nam có 286 bến cảng thuộc 5 nhóm cảnh biển, chiều dài cầu cảng xấp xỉ 100 km; 2 cảng biển loại đặc biệt tiếp nhận được tàu container đến 132.000 DWT tại Lạch Huyện, tàu đến 214.000 DWT tại Cái Mép; 1.477 tàu, tổng trọng tải 11,6 triệu DWT, đứng thứ 2 ASEAN và thứ 22 trên thế giới; 32 tuyến, trong đó có 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa. Hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không đang khai thác. 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp.

Về doanh nghiệp dịch vụ logistics, hiện có 46.428 doanh nghiệp vận tải, kho bãi; 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3 PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba);…

Khẳng định, logistics mở đường cho thương mại, sản xuất, ông Trần Thanh Hải cho hay, quy mô của ngành dịch vị logistics Việt Nam thể hiện ở lượng hàng hóa vận chuyển và lưu chuyển đều tăng trưởng 2 con số trong 9 tháng đầu năm 2024 và tăng trưởng qua từng năm. Logistics thúc đẩy liên kết vùng, hiện quy mô thị trường kho Việt Nam đạt 4 triệu m2 sàn, tốc độ tăng trưởng 23%/năm giai đoạn 2020 – 2023. Các kho này đang tập trung ở vùng kinh tế trọng điểm.

Chỉ ra 6 xu hướng logistics trên thế giới và tác động đến đến Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện đang diễn ra cạnh tranh quyết liệt về khai thác lợi thế địa chính trị; sự dịch chuyển định hình lại các chuỗi cung ứng; liên minh, liên kết để tận dụng lợi thế quy mô; ứng dụng công nghệ tự động hóa sâu sắc; hướng đến chuỗi cung ứng xanh, logistics xanh; đề cao vai tròng quyết định của con người, nhân lực.

Nói về cạnh tranh lợi thế địa chính trị, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ, hiện các quốc gia xung quanh Việt Nam đang có động thái mạnh mẽ trong việc thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng hoạt động thương mại. Như với Trung Quốc có sáng kiến “Vành đai và Con đường”; Singapore xây dựng là Trung tâm trung chuyển lớn nhất khu vực; tại Thái Lan xây dựng kết nối với đường sắt Trung – Lào…

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, sau những biến động chuỗi cung ứng trên thị trường thế giới ngành logistics cũng có những biến chuyển, cụ thể: Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hoặc ngoài Trung Quốc có thể thêm một địa điểm khác để đa dạng hóa cơ sở sản xuất; xu hướng tìm kiếm đến các thị trường gần nguồn tiêu thụ hơn; xu hướng chuỗi cung ứng xanh thể hiện qua các hoạt động vận tải, kho bãi và bao bì.

“Ngành logistics là 1 trong 3 ngành có lượng phát thải rất lớn cùng với sản xuất công nghiệp và năng lượng. Trong đó, ngành vận tải chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất khi các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Vì vậy, xu hướng logistics xanh trước tiên thể hiện ở việc chuyển đổi nguồn năng lượng ít phát thải hơn, sử dụng phương thức tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất vận chuyển”, ông Trần Thanh Hải nói.

Xu hướng ứng dụng công nghệ, tự động hóa cũng đang được diễn ra nhanh và mạnh. Thương mại điện tử hiện đang là hướng chủ đạo và logistics trong thương mại điện tử không thể không áp dụng công nghệ.

Đưa logistics thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao

Trên cơ sở hiện trạng cũng như các xu hướng phát triển của ngành dịch vụ logistics, Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 (Dự thảo Chiến lược) nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics đồng bộ, toàn diện và tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Diễn đàn

Việc xây dựng Dự thảo Chiến lược với các quan điểm đó là: Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; coi logistics là một ngành dịch vụ trọng điểm, ưu tiên cao để phát triển; 5 mũi nhọn để phát triển chiến lược gồm: Thể chế, hạ tầng, doanh nghiệp, nhân lực, công nghệ; khai thác tối đa lợi thế địa chính trị; dự báo và theo kịp xu hướng phát triển logistics trên thế giới; liên kết vùng, phát triển đồng đều giữa các địa phương.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2035, tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 8-12%; 80% số doanh nghiệp logistics chuyển đổi số; 70% lao động được đào tạo chuyên môn; 70-80% tỷ lệ thuê ngoài; chi phí logistics/GDP chiếm từ 12-15% (hiện đang là 16-18%); xếp hạng LPI đạt trên 40 trở lên.

Để đạt được mục tiêu đề ra, đưa logistics thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, Bộ Công Thương cũng đề ra nhiều nhóm giải pháp. Theo đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế; hoàn thiện, nâng cao năng lực hạ tầng; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, logistics xanh; phát triển logistics tại địa phương; phát triển nhân lực;…

Về một số các giải pháp đột phá, theo ông Trần Thanh Hải, thứ nhất, việc sớm hình thành cảng trung chuyển sẽ giúp tận dụng lợi thế về địa chính trị, vừa giúp Việt Nam gia tăng nguồn hàng cho các dịch vụ logistics. Hiện chúng ta có cảng Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu là những cảng cửa ngõ, đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam là chính. Còn với nguồn hàng từ các nước đến cảng, xử lý tại đây và di chuyển đi các nước giống như Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc) đã làm thì chúng ta chưa có. Kỳ vọng, tới đây cảng Cần Giờ sẽ là một cảng trung chuyển hàng hóa của Việt Nam.

Thứ 2, đó là xây dựng đội tàu quốc gia. Hiện chúng ta có đội tàu biển lớn, nhưng tải trọng nhỏ, số lượng chủ tàu đông, do đó, các đội tàu biển container vẫn mang tính chất phân tán, phân mảnh. Chúng ta chưa có hãng tàu lớn, nhất là các hàng tàu container. Việc xây dựng đội tàu container xứng tầm là việc cần làm. Bên cạnh đó là đội tàu bay vận tải hàng hóa, hiện nhu cầu đối với dịch vụ này đang rất cao, nhất là sau thời kỳ Covid-19

Thứ ba, đó là xây dựng khu thương mại tự do. Hiện nay chúng ta đang có điểm vướng đó là thiếu thể chế. Do đó, trong thời gian tới, khi Chính phủ sửa đổi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và đưa thêm nội hàm về khu thương mại tự do, việc này sẽ mở 'cảnh cửa' để khu thương mại tự do phát triển.

Thứ tư, đó là xây dựng Trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh, tự động và xanh.

Ngoài ra, còn một số giải pháp cũng được ông Trần Thanh Hải đề cập đến như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, vốn hay tiếp cận đất đai; thu hút đầu tư; phát triển thị trường; kiện toàn bộ máy.

Trong bức tranh Chiến lược chung, bộ cũng chia ra các chiến lược thành phần như chiến lược nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics; chiến lược chuyển đổi số ngành logistics; chiến lược phát triển nhân lực logictics; chiến lược phát triển logistics xanh.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đồng tâm, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp; chúng ta cùng nhau xây dựng ngành logistics Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh và tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.