LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ về pháp lý, tạo đà để thị trường địa ốc khởi sắc

17:37 01/02/2024

Các chuyên gia cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới, có tính đột phá, được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, tháo gỡ “nút thắt" pháp lý cho các dự án, tạo đà cho sự khởi sắc thị trường bất động sản trong thời gian tới.

(TBTCO) - Các chuyên gia cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới, có tính đột phá, được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, tháo gỡ “nút thắt" pháp lý cho các dự án, tạo đà cho sự khởi sắc thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ về pháp lý, tạo đà để thị trường địa ốc khởi sắc Khi các chủ đầu tư có phương thức, quy định rõ ràng hơn để tiếp cận quỹ đất, nguồn cung thị trường sẽ không còn khan hiếm như hiện tại.

Giảm thiểu quan hệ “xin - cho”

Ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 là đạo luật lớn, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ đầu tư. Dự án Luật này được kỳ vọng sẽ "cởi trói" về mặt pháp lý, tạo đà cho sự khởi sắc thị trường bất động sản thời gian tới.

Thị trường kỳ vọng sớm phục hồi

Các chuyên gia cho rằng, năm 2024 thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều cơ hội nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ. Các dự án Luật như Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và mới nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tác động trực tiếp tới việc phát triển của thị trường bất động sản. Quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ có cơ hội được rút ngắn và sớm bước sang giai đoạn bình thường mới.

Theo ông Bình, trong lần sửa Luật này, rất nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Theo đó, những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi, sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá giao dịch trên thị trường. Điều này nhằm đảm bảo người dân sẽ không bị thiệt. Đây được coi là sự ghi nhận của Nhà nước đối với người dân có đóng góp cho lợi ích chung của địa phương, khu vực và đất nước.

Ngoài ra, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận. Nếu như trước đây, rất nhiều người dân phải vất vả, thậm chí “đi xin” để được cấp giấy chứng nhận, thì trong luật mới, trách nhiệm này thuộc về Nhà nước. Theo đó, Nhà nước phải cấp giấy chứng nhận cho người dân thuộc diện được cấp giấy chứng nhận. Đây là những điểm mấu chốt để khơi thông việc cấp giấy chứng nhận, cũng như tạo điều kiện cho các dự án đất ở, đất thương mại đi vào hoạt động, các địa phương sẽ thuận lợi trong đấu thầu các dự án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận cho các dự án xây dựng nhà ở trong thời gian tới.

“Nếu việc tháo gỡ pháp lý diễn ra theo đúng như kỳ vọng, tôi tin rằng, các giao dịch trong dân cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhằm đảm bảo giá giao dịch đúng với giá trị thực, tạo ra cơ chế giúp kiểm soát thị trường bất động sản; hỗ trợ cho sự phát triển thị trường bất động sản theo hướng an toàn và minh bạch” - ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giảm tải các thủ tục pháp lý, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, thông qua các hình thức đấu giá, đấu thầu, “phần thắng” sẽ giành cho các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và lịch sử sử dụng đất hiệu quả. Cơ chế mới sẽ giảm thiểu tối đa các quan hệ “xin - cho”.

"Điều này sẽ góp phần tích cực, tạo ra môi trường cạnh tranh một cách công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản làm thật cũng sẽ dễ dàng tiếp cận đất đai hơn, chi phí để phát triển dự án từ đó cũng có cơ hội được giảm xuống. Đây cũng là một yếu tố góp phần tác động khiến giá bất động sản dần tiệm cận với giá trị thực” - ông Bình nói.

Tác động tích cực đến thị trường bất động sản

Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ về pháp lý, tạo đà để thị trường địa ốc khởi sắc

Chia sẻ về những tác động của Luật Đất đai (sửa đổi) đối với thị trường bất động sản, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Theo đó, giá đất sẽ tăng một cách bền vững, bởi Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy việc định giá đất sát với mặt bằng giá của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Cụ thể, theo luật này, đã bỏ khung giá đất. Điều đó sẽ nâng nền giá đất lên ở mức sát với thị trường, đảm bảo quyền lợi đền bù cho các đối tượng có đất nằm trong diện thu hồi.

Ngoài ra, Luật có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất; quyền cho thuê, liên doanh liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp đối với đối tượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất… Tất cả những quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng giá các loại đất từ đất nông nghiệp, đất phi thương mại... từ đó gia tăng giá bất động sản nói chung.

“Một trong những lý do khiến nhiều dự án bị trì hoãn kéo dài là khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng do đền bù không thỏa đáng. Cơ chế định giá theo thực tế thị trường sẽ hỗ trợ quỹ đất được triển khai nhanh hơn. Khi các chủ đầu tư có phương thức, quy định rõ ràng hơn để tiếp cận quỹ đất, nguồn cung ra thị trường sẽ không còn khan hiếm như hiện tại. Các doanh nghiệp có cơ chế tốt hơn, quy định rõ ràng, cụ thể hơn để tiếp cận quỹ đất và phát triển dự án” - ông Tuấn lý giải.

Còn ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Ban điều hành Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tại Đồng Nai, cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của thị trường bất động sản sau thời gian ì ạch. Đây cũng là một bước quan trọng của Chính phủ nhằm hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện phát triển, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản trở nên minh bạch và dễ dàng giao dịch hơn, giảm rủi ro pháp lý và tăng tính cạnh tranh. "Một điểm quan trọng trong Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá cao là bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Điều này được xem là có ảnh hưởng trực tiếp đến giá tài sản, tăng giá trị thực tế và giảm tình trạng đầu cơ, sốt đất" - ông Cường nói.

Bảng giá đất mới được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống xã hội. Trong đó, liên quan đến giá đất, Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ ban hành 5 năm/lần, thay vào đó là UBND cấp tỉnh công bố hàng năm vào đầu năm. Cụ thể, việc định giá đất phải bảo đảm theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, minh bạch; đảm bảo tính độc lập giữa tổ chức tư vấn xác định giá đất, hội đồng thẩm định bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Trường hợp bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định.

Trong khi Luật Đất đai năm 2013 quy định Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm/lần và phải điều chỉnh, bổ sung khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động. Do bảng giá đất trong quá trình áp dụng chưa được điều chỉnh kịp thời dẫn đến không phản ánh đúng giá đất thực tế của thị trường. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc bỏ khung giá đất là cần thiết, giúp thay đổi cơ bản tư duy, bởi người dân được tiếp cận với giá thực tế của thị trường. Mặt khác cũng hạn chế được hàng loạt khúc mắc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai như hiện nay.