Khác với những năm trước, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% và đã giao toàn bộ chỉ tiêu này cho các tổ chức tín dụng. Đến ngày 28/8, những ngân hàng đã cho vay trên 80% chỉ tiêu tín dụng được cấp từ đầu năm đã được cơ quan quản lý tiền tệ cấp thêm hạn mức.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Con số này vẫn cách khá xa với mục tiêu 15% mà nhà điều hành đề ra và chỉ còn hơn 1 tháng nữa là năm 2024 sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều có sự cải thiện và phục hồi. “Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy mục tiêu tăng trưởng 15% của năm 2024 là hoàn toàn khả thi” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước càng khẳng định điều này, đó là trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ngày 28/11/2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị.
Đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Ảnh: Duy MinhTừ thực tế, các ngân hàng cũng đang thể hiện quyết tâm của mình trong việc đưa vốn ra nền kinh tế. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, ngân hàng đã không ngừng cải tiến, nâng cấp và ban hành mới các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề. Đơn cử như tập trung phát triển tín dụng cho phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) theo phương châm tín dụng dễ dàng bằng các chương trình/chiến dịch cụ thể. Hay chương trình vay tín chấp một phần hoặc toàn bộ được mở rộng thông qua chính sách quản lý khoản vay bằng các biện pháp kiểm soát sau giải ngân thay vì dùng công cụ tài sản bảo đảm.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2024 của các ngân hàng cho thấy, các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng dương. Tăng trưởng mạnh nhất thuộc về Techcombank với 19,68%, HDBank với 16,54%, NCB với 16,33%, LPBank với 16,10% cùng nhiều ngân hàng tăng từ 14% đến trên 15% như: Nam A Bank, MSB, MB, Kienlongbank, TPBank…
Dù tăng trưởng mạnh nhưng dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối cùng của năm vẫn còn. Đến nay, nhiều ngân hàng vẫn đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5 - 6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm.
Chẳng hạn, Agribank có gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp lĩnh vực nông thuỷ sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu đang có lãi suất chỉ từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng; Sacombank có gói tín dụng cho vay ngắn hạn với quy mô 15.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm với khách hàng doanh nghiệp.
ACB dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu. LPBank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với tổng mức 3.000 tỷ đồng, lãi suất vay từ 5%/năm.
Eximbank cũng triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay VND từ 5,25%/năm dành riêng cho các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VBCI). Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoạt động hiệu quả, Eximbank cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay USD…
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đưa ra những gói giải pháp tín dụng được “may đo” cho từng lĩnh vực ngành nghề và quy mô hoạt động, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu…
Có thể nói, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm mà ngành ngân hàng đặt ra ở mức 15% không phải xa vời. Song theo nhận định của các chuyên gia tài chính - kinh tế, cần phải quan tâm chất lượng tín dụng, nhất là khi nợ xấu đang có xu hướng tăng.
Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cho biết, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý III/2024 tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” so với quý II/2024 và dự báo tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2024 ở mức 4,66% - cao hơn tỷ lệ nợ xấu thời điểm cuối năm 2023 (4,55%). Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu tại đơn vị của mình thấp nhất, ở mức 1,55% đến cuối năm 2024. Trong khi, nhóm công ty tài chính có kỳ vọng nợ xấu tại đơn vị của mình cao nhất, ở mức 9,71% đến cuối năm 2024. Điều này cũng phản ánh chất lượng tín dụng tại từng nhóm tổ chức tín dụng, đi kèm rủi ro hoạt động tại một số nhóm ngành trong nền kinh tế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng.