LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất trong năm 2025?

15:59 10/12/2024

Trước những diễn biến từ thị trường tài chính toàn cầu, các chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành vào cuối năm 2025 và 2026.

Đồng USD có thể mạnh lên

Trong hơn 11 tháng qua, đồng USD tiếp tục khẳng định giá trị vượt trội nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, đồng thời lãi suất USD tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Điều này khiến gần như toàn bộ các đồng tiền quan trọng trong thương mại và đầu tư toàn cầu đều chịu sức ép giảm giá từ 1 đến 10% so với USD.

Mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang trong lộ trình giảm lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp cuối năm 2024, nhưng đồng USD vẫn tăng giá mạnh trên thị trường toàn cầu.

Lý do là bởi thị trường lo ngại những cam kết thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nếu được thực thi có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại, từ đó làm cản trở lộ trình giảm lãi suất của FED, thậm chí FED phải tăng lãi suất trở lại nếu lạm phát của Mỹ quay đầu tăng mạnh.

“Có một rủi ro lớn hơn, đó là chính sách của ông Donald Trump có thể sẽ gây lạm phát mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ II, so với ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy” - ông Michael Metcalfe, Chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty State Street Global Markets nhận định.

“So với năm 2016, khi lạm phát và kỳ vọng lạm phát còn ở mức thấp, thì năm 2024 - 2025 sẽ là một câu chuyện khác. Mức lạm phát cao hơn, kỳ vọng lạm phát cao hơn, và chúng ta vẫn đang mang tư duy lạm phát” - ông Metcalfe cho biết thêm.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất trong năm 2025? Trong ngắn hạn, đồng USD mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VND. Ảnh: Duy Minh

Trên thực tế, việc ông Donald Trump thắng cử đã đẩy chỉ số USD tăng lên cao nhất trong hơn 2 năm là 107,5 điểm vào ngày 22/11 vừa qua. Hiện chỉ số đồng USD vẫn đang xoay quanh ngưỡng 106,5 điểm, tăng 4,25% so với đầu năm nay.

Các kế hoạch nới lỏng tài khoá, tăng mạnh thuế quan với Trung Quốc và các đối tác thương mại của Mỹ, chính sách nhập cư chặt chẽ hơn của ông Donald Trump, kết hợp với lãi suất cao giữa Mỹ và các nền kinh tế khác cùng chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, sẽ đều tạo lực đẩy mạnh mẽ cho một đợt tăng giá của đồng USD trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

“Những biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu và chính sách hỗ trợ tài khóa của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ II sẽ khiến rủi ro lạm phát quay trở lại, và FED có thể sẽ thận trọng hơn với lộ trình cắt giảm suất” - các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam - nhận định, chu kỳ cắt giảm lãi suất USD của FED có thể chậm hơn kỳ vọng. Điều này có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD so với các đồng tiền khác. Bên cạnh đó, những bất ổn trên toàn cầu cũng là yếu tố ảnh hưởng tỷ giá USD.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có những biến động tỷ giá và lãi suất lớn hơn, khó đoán định hơn. Hiện tại, chúng tôi giữ nguyên dự báo về đợt cắt giảm lãi suất USD là 0,25% vào kỳ họp ngày 17-18/12/2024; sau đó là các đợt cắt giảm tổng cộng 1% trong năm 2025, đưa lãi suất USD xuống quanh mức 3,5% vào cuối năm 2025” - ông Đinh Đức Quang nhận định.

Lãi suất có thể tăng để “cứu” tỷ giá

Với những diễn biến trên, theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, đồng USD mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VND. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp, khoảng 87 tỷ USD (gần bằng 3 tháng nhập khẩu). Những điều này sẽ gây nhiều khó khăn trong việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025.

Ông Đinh Đức Quang cho rằng, mặc dù có nền tảng vững chắc, nhưng VND vẫn bị “kìm kẹp” bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD hồi phục khi thị trường định giá lại với kịch bản FED sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ II của ông Donald Trump. Chuyên gia này cũng dự báo, tỷ giá USD/VND có thể lên đỉnh lịch sử vào quý III/2025, đạt mức 26.200 VND/USD.

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND lên lần lượt 25.450, 26.000 và 26.000 tại thời điểm cuối năm 2024, 2025 và 2026, tăng từ lần lượt 24.950, 24.850 và 24.750.

Việc tỷ giá chịu áp lực tăng chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí, nhiều ý kiến còn lo ngại, trong một số thời điểm, lãi suất có thể tăng để “cứu” tỷ giá. “Chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành lên lần lượt 4,75% và 5% vào cuối năm 2025 và 2026” - chuyên gia của HSC cho hay.

Bên cạnh tỷ giá, lãi suất còn chịu nhiều áp lực tăng khác. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, nhu cầu vốn tăng mạnh đã buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi nhằm đáp ứng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng bày tỏ, việc điều hành lãi suất hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. “Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài” - Thống đốc cho biết.

Mặc dù vậy, với chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành trong đầu năm 2025, nhưng có thể sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất điều hành vào cuối năm 2025.

Có góc nhìn tích cực hơn, ông Đinh Đức Quang cho biết, kể từ lần cắt giảm các mức lãi suất chính sách vào tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ trung hòa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chứ chưa sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng.

“Chúng tôi cũng nhận thấy, Việt Nam thống nhất triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, mà không cần phải sử dụng đến việc nới lỏng tiền tệ. Có thể kể đến như việc cơ quan quản lý liên tục tập trung mở rộng quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng thị trường thương mại, thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, cải cách thể chế theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Tất cả các giải pháp này góp phần thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn, tạo cơ sở để tiếp tục ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối, từ đó ổn định lãi suất và tỷ giá” - ông Quang phân tích.

Từ đó, chuyên gia của Ngân hàng UOB, dự báo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025.