LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Fed giảm lãi suất có thể tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam

16:59 19/09/2024

Khả năng cao là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong tháng 9 và điều này có thể mang lại một số tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Fed chính thức họp thường kỳ trong hai ngày 17 – 18/9 (theo giờ Mỹ) và được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020.

Hiện tại, thị trường đang dự báo 2 kịch bản Fed cắt giảm lãi suất là 25 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 này với xác xuất cho 2 kịch bản này lần lượt là 33% và 67% tính đến thời điểm 9h ngày 17/9 (giờ Việt Nam).

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), kể từ khi Fed tuyên bố thời điểm cắt giảm lãi suất, xu hướng giảm của đồng USD tiếp diễn, đã có lúc chỉ số DXY chạm mức 100,7 điểm tại ngày 23/8 – mức thấp nhất kể từ tháng 7. Sau đó, chỉ số DXY tăng nhẹ 1% trong tuần qua nhờ những thông tin tích cực từ chỉ số niềm tin tiêu dùng.

-5078-1726561668.jpg

Fed cắt giảm lãi suất USD có thể giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND, giúp ổn định thị trường ngoại hối.

Theo các chuyên gia, việc Fed cắt giảm lãi suất USD có thể mang lại một số tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến một số tác động như sau: giảm lãi suất USD, dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND, giúp ổn định thị trường ngoại hối và tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài.

Rõ ràng khi những tín hiệu về việc Fed đảo chiều chính sách đã xoa dịu áp lực tỷ giá trong thời gian gần đây. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND cuối tuần qua đã giảm xuống mức 24.543 VND/USD, giảm 47 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. So với hồi cuối tháng 7, tỷ giá USD liên ngân hàng đã giảm khoảng 2,8%.

Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng trong nước cũng liên tục giảm sâu. Ghi nhận đến cuối tuần qua, giá bán USD niêm yết tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 24.730 – 24.750 VND/USD, trong khi mua vào ở mức 24.360 – 24.400 VND/USD. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã giảm khoảng 700 đồng, tương đương mức giảm 2,7%. Qua đó, thu hẹp mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm đến nay còn 1,3% từ mức đỉnh điểm 4,3% ghi nhận vào tháng 6 và tháng 7.

Chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như không đáng kể.

Trên thị trường tự do, giá USD tại các điểm thu mua ngoại tệ đều đã xuống dưới mức 25.000 đồng ở cả hai chiều giao dịch. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 1.000 đồng, tương đương giảm 3,8%.

Nhờ áp lực tỷ giá giảm mạnh, NHNN đã có loạt chính sách điều hành mang tính nới lỏng.

Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN cũng đã chủ động ngừng phát hành trên kênh tín phiếu và giảm lãi suất trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%, nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, trong phiên giao dịch hôm qua (16/9), lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 3,25%. Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 4,25% xuống còn 4%.

Chuyên gia của SSI Research cho hay: “Nguồn cung ngoại tệ duy trì tích cực (cán cân thương mại ước tính thặng dư 19 tỷ USD trong 8 tháng, hay giải ngân FDI đạt 14 tỷ USD), và chúng tôi không loại trừ khả năng NHNN sẽ tăng tỷ giá mua này (như giai đoạn cuối năm 2022) để có thể bổ sung thêm ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối”.

Trong chương trình: Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng ngày 16/9, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhận xét khi Fed hạ lãi suất thì chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa để giảm lãi suất, đặc biệt là sau siêu bão Yagi. Qua đó, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, dư địa phục hồi tốt hơn. “Những doanh nghiệp đang vay nợ nhiều như bất động sản, sản xuất, xuất khẩu, lãi suất hạ làm chi phí vốn giảm xuống giúp biên lợi nhuận lên cao hơn”, ông Sơn nhận định.

Nhìn lại chu kỳ 2012 - 2015, chuyên gia này cho hay: Fed đưa lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử. Việt Nam vừa có chính sách hỗ trợ lãi suất, vừa đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ. Nhờ đó, thị trường bất động sản đóng băng giai đoạn 2011 – 2012 đã phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn 2014 – 2016.

Theo ông Sơn, trong giai đoạn đó, ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Bởi trong cơ cấu thu nhập ngân hàng hiện nay, thu nhập lãi thuần giảm, thu nhập từ dịch vụ đang cải thiện nhiều và dần chiếm tỷ trọng lớn. Mặt khác, doanh nghiệp phục hồi thì nợ xấu ngân hàng giảm, giảm trích lập dự phòng, "sức khỏe" hệ thống ngân hàng càng tốt hơn.

“Do vậy, kinh tế phục hồi thì tốt cho tất cả. Ngành ngân hàng là ngành xương sống của nền kinh tế nên vẫn có dư địa tốt để phục hồi”, ông Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định tỷ giá ổn định cũng góp phần kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, làm tiền đề hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc duy trì tỷ giá ổn định cũng thể hiện niềm tin đối với đồng nội tệ tăng lên, giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thanh Hoa