Là một trong những "thủ phủ ngành gỗ" của Việt Nam, hiện, Bình Định có hơn 320 doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động, tập trung tại các khu công nghiệp lớn như Phú Tài và Long Mỹ, với tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng.
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu bao gồm đồ nội thất, ngoại thất, sân vườn, dăm mảnh, viên nén, phục vụ thị trường Mỹ, EU, Anh, Úc, Nhật Bản…
Theo ông Lê Quang Bảo Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hoàng Giang, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng ngoài trời, bàn ghế wicker và nệm gối.
Hiện, Công ty TNHH thương mại Hoàng Giang có 5 nhà máy với diện tích gần 100 nghìn m2 và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động địa phương. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng cao, sử dụng nguyên liệu mới phù hợp với xu thế.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Tổng hợp Tân Đại Hưng cho hay, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất các dòng sản phẩm nội - ngoại thất kết hợp kim loại, nhựa đan giả mây.
Những năm qua, khách hàng chủ yếu của Công ty TNHH Tổng hợp Tân Đại Hưng là các thị trường Mỹ và châu Âu. Chiến lược hiện nay của doanh nghiệp là đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín, từ đó tạo ra những dòng sản phẩm mang tính ứng dụng cao, đảm bảo thân thiện với môi trường.
"Chúng tôi có phương châm xây dựng đội ngũ cán bộ thân thiện và luôn luôn bảo đảm uy tín để đem đến các dòng sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế", đại diện Công ty TNHH Tổng hợp Tân Đại Hưng nói.
Năm 2024, ngành gỗ vẫn giữ vững vị trí 1 trong 6 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp 16,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (tăng 21% so với năm 2023).
Riêng tại Bình Định, kim ngạch xuất ngành gỗ đạt gần 1,1 tỷ USD (chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh). Từ đó, năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt chỉ tiêu xuất khẩu lâm sản đạt trên 18 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Hưng, đại diện Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhìn nhận, năm 2025, trong bối cảnh ngành chế biến gỗ và lâm sản còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt là những khó khăn, thách thức đến từ việc tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh thuế quan về xây dựng một kế hoạch nhằm khôi phục sự công bằng với các đối tác thương mại và những chính sách kinh tế của các nước lớn ứng phó với chính sách thuế của Hoa Kỳ.
"Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2025, trong bối cảnh nhiều biến động khó lường nêu trên, việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng", ông Hưng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản ngày càng thắt chặt các quy định liên quan đến truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, giảm phát thải carbon và trách nhiệm xã hội.
Hiện, khoảng 85% nguyên liệu gỗ phục vụ ngành chế biến trong nước là gỗ nhập khẩu, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phát triển nguồn nguyên liệu bền vững trong nước để giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Bên cạnh đó, biến động kinh tế toàn cầu, chi phí vận chuyển gia tăng và sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia xuất khẩu gỗ lớn như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia cũng đặt ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
"Đặc biệt, Hoa Kỳ có thể gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại dưới chính quyền mới, trong đó có khả năng áp thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may, điện tử có nguy cơ chịu thuế suất cao hơn nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ", ông Hưng đánh giá.
Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sản xuấtCũng theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), để vượt qua thách thức, ngành gỗ Việt Nam cần phải ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo…
"Hiện, khoảng 65% doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã tham gia thương mại điện tử, nhưng tỷ lệ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất vẫn còn thấp, cần được đẩy mạnh hơn nữa", ông Hưng thông tin.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất để tăng giá trị gia tăng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững (như FSC) và thiết kế xanh. Điều này đặc biệt quan trọng với phân khúc gỗ ngoài trời - lĩnh vực đang được ưa chuộng tại Mỹ và EU.
"Tại thị trường nội địa, với dân số trên 100 triệu người và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ ngày càng cao, doanh nghiệp cần chú trọng nghiên cứu thị hiếu, thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu ngành gỗ, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để khai thác", ông Hưng gợi mở.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho hay, tỉnh này đã tích cực vận động doanh nghiệp áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO, FSC-CoC, VFTN.
Cùng với đó, Bình Định khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ phát triển đa dạng thị trường; trực tiếp tham gia trồng rừng gỗ lớn, chủ động về nguồn nguyên liệu, hình thành liên kết và chuỗi cung ứng nguyên liệu để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC, bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước EU và Hoa Kỳ.
"Bình Định kêu gọi và mong muốn các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, hiệu quả để cùng nhau phát triển", ông Thanh chia sẻ thêm.