LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Qualcomm đầu tư tiền tỷ vào startup Việt

21:31 21/09/2023

Ngày 20/9, Qualcomm Technologies Inc, công ty con của Qualcomm đã công bố top 3 chiến thắng mùa thứ 3 của cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC). Theo đó top 3 sẽ được Qualcomm đầu tư với tổng giá trị lên đến 225.000 USD.

026D3008-08A9-4224-A6F4-B4D3CB66BACC_1_201_a Top 3 Chung cuộc cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) nhận giải. Ảnh: BSSC

Qua đánh giá, sàng lọc dự án của 10 công ty khởi nghiệp đến từ các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như robotics, năng lượng (Clean Energy), nông nghiệp thông minh (AgriTech), trí tuệ nhân tạo (AI), môi trường bền vững (climate tech), Internet vạn vật (IoT)... QVIC  2023 đã tìm ra 3 startup xuất sắc nhận đầu tư từ Qualcomm.

Cụ thể, top 3 startup lần lượt nhận về số tiền đầu tư 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD trong cuộc thi lần này là Rynans Technologies, XBTechnology và BenKon Energy Saving Solution. 

Rynans Technologies Việt Nam với dự án Mạng lưới giám cát côn trùng thông minh (RYNAN IMS) với tính năng tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại côn trùng. Hệ thống tự động đưa ra các cảnh báo và dự báo côn trùng thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS.

"Với phương thức giám sát là sử dụng camera độ phân giải cao kết hợp trí tuệ nhân tạo để nhận dạng và thống kê mật độ sâu rầy, RYNAN IMS giúp giám sát sâu rầy và thiên địch mọi lúc mọi nơi thông qua thống kê, biểu đồ, hình ảnh trực quan. Từ đó phân tích tỷ lệ sâu rầy và thiên địch giúp giảm lượng hoá chất diệt sâu rầy", đại diện Rynans Technologies cho biết.

Đáng nói dự án về nhất cuộc thi lần này khi ứng dụng sẽ sử dụng năng lượng mặt trời với Acquy dự phòng 12V-100 Ah với phương thức lắp đặt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Đây cũng là nghiên cứu mang lại lợi ích lớn cho ngành nông nghiệp.

Với dự án Hệ thống giao hàng bằng máy bay không người lái dựa trên kết nối di động, XBTechnology nhận về 75.000 USD từ Qualcomm. Đại diện startup này thông tin, dự án lần này là Nền tảng quản lý và kết nối 4G/5G cho máy bay không người lái được tích hợp công nghệ 4G/5G mới nhất của Qualcomm - Quectel RM520N-GL. Đây là Hệ thống Modem-RF đầu tiên trên thế giới sẵn sàng cho 5G Advanced để thúc đẩy 5G trên thiết bị di động và hơn thế nữa.

Ứng dụng giải pháp BenKon tiết kiệm điện năng đạt giải 3 chung cuộc QVIC là một startup ứng dụng công nghệ IoT vào quản lý và tối ưu sử dụng máy điều hoà dành cho doanh nghiệp, nơi mà điều hoà chiếm từ 40% đến 80% trong chi phí điện năng.

"Giải pháp Tự Động Hoá đã được chứng minh giúp tiết kiệm trung bình 450 ngàn VNĐ /máy điều hoà/tháng nhờ giảm thiểu các hao phí, hư hỏng không đáng có do việc quản lý thủ công gây ra. Sứ mệnh của BenKon là góp phần giảm tiêu thụ điện năng, bảo vệ hành tinh xanh", đại diện BenKon chia sẻ.

Bên cạnh đó, trong thời gian ươm tạo, top 10 QVIC 2023 đã được Qualcomm hỗ trợ tài chính với gói tài trợ 10.000 USD chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm cho mỗi công ty và thêm 5.000 USD chi phí đăng ký bằng sáng chế tại Việt Nam hoặc Mỹ. Đồng thời top 10 cũng đã tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật, R&D và phát triển kinh doanh từ các chuyên gia Qualcomm Technologies.

IMG_5106 Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM nghe startup Việt trình bày về dự án. Ảnh: BSSC

Ông Alex Rogers, Chủ tịch mảng Bản quyền công nghệ và quan hệ quốc tế của Qualcomm cho biết, sự thành công liên tục của chương trình cho thấy sức mạnh sáng tạo của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam. 

"Chúng tôi mong muốn hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà khai thác mạng di động hàng đầu của Việt Nam để hỗ trợ ngành và chính phủ trong việc hiện thực hóa chính sách công nghiệp 4.0 trong mục tiêu Made in Vietnam", đại diện Qualcomm nói.

Đánh giá về QVIC 2023, TS Trần Mỹ An, Phó Chủ tịch Kỹ thuật Qualcomm nhận định, năm nay số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất khi chương trình có mặt tại Việt Nam. Đáng nói các dự án tham gia tranh tài cũng được đầu tư kỹ lưỡng với nhiều giải pháp hiện đại, tối ưu bắt kịp xu thế.

'Việt Nam là điểm dừng chân thứ ba của Tập đoàn Qualcomm cho QVIC sau Ấn Độ và Đài Loan. Bước qua năm thứ 3 tổ chức, QVIC đã nhận được rất nhiều sự quan tâm tham dự của các Startup Công nghệ trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ cho sự sẵn sàng của Việt Nam trên đấu trường quốc tế", bà An nhấn mạnh.

Về phía Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (NATEC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chương trình Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam đang đi đúng định hướng của chính phủ và đạt nhiều tín hiệu tích cực qua 3 năm tổ chức. 

"Các startup công nghệ Việt Nam đã nâng cao năng lực, tư duy đột phá trong nghiên cứu phát triển giải pháp công nghệ để có thể từng bước đáp ứng thách thức đưa ra từ các tập đoàn lớn trên thế giới. QVIC được đánh giá là sáng kiến tiên phong hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo định hướng đổi mới sáng tạo mở", ông Phạm Hồng Quất tuyên dương hiệu quả mang lại từ QVIC.

Được thành lập năm 2019, QVIC ra mắt với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN Việt Nam. Mục đích ươm tạo các công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cho các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như 5G, IoT, robot và máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo và đa phương tiện bằng cách sử dụng các nền tảng và công nghệ di động tiên tiến của Qualcomm. 

Phía Qualcomm Technologies khẳng định sẽ không yêu cầu bất kỳ quyền sở hữu cổ phần hoặc tài sản trí tuệ nào để đổi lấy các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ… mà các công ty nhận được khi tham gia chương trình này.