CTCP Kim Tín MDF vừa công bố BCTC năm 2022. Theo đó, lãi ròng doanh nghiệp trong năm đạt 61 tỷ đồng, tương đương giảm mạnh 82% so với cùng kỳ năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Kim Tín MDF tại ngày 31/12/2022 đạt gần 4.523 tỷ đồng, tăng gần 16,8% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu 1.478 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 3%; nợ phải trả 3.045 tỷ đồng, tăng 24,3%.
Dư nợ trái phiếu công ty cuối kỳ đạt 502,52 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, đây là lô trái phiếu mã KTMCH2125001 được Kim Tín MDF huy động thành công vào ngày 30/8/2021. Trái phiếu KTMCH2125001 có tổng giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định ở mức 9,5%/năm và không có tài sản bảo đảm.
Trái chủ là một nhà đầu tư tổ chức không được xác định danh tính. Bên thu xếp phát hành trái phiếu là CTCP Chứng khoán SSI – chi nhánh Hà Nội.
Kim Tín MDF cho biết nguồn tiền thu về dự kiến được sử dụng để thực hiện dự án MDF Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Kim Tín MDF được thành lập năm 2007, địa chỉ trụ sở chính tại đường Tôn Đức Thắng, khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Tính đến tháng 6/2020, vốn điều lệ công ty đạt 564,59 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm các cá nhân Trịnh Thị Xuân (27,203%), Phạm Tiến Thuận (6,903%), Trần Thị Kim Quy (12,126%), Nguyễn Bình Giang (1,534%). Cập nhật đến thời điểm tháng 4/2021, vốn điều lệ Kim Tín MDF tăng lên mức gần 680 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, cổ đông Phạm Tiến Thuật (SN 1956) cũng đồng thời là Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật công ty.
Đặc biệt, 3 cổ đông Trịnh Thị Xuân, Trần Thị Kim Quy, Nguyễn Bình Giang đều là các cổ đông sáng lập CTCP Đầu tư Kim Tín – hạt nhân cốt lõi của hệ sinh thái Kim Tín Group.
Như Nhadautu.vn từng đề cập, CTCP Đầu tư Kim Tín (tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Kim Tín) được thành lập vào năm 2000, với tham vọng phát triển sản phẩm vật liệu hàn mang thương hiệu Việt.
Theo tìm hiểu, tính đến tháng 11/2017, cơ cấu cổ đông Đầu tư Kim Tín gồm: Ông Nguyễn Tiến Hải (36,4%) cùng 2 người nhà là bà Trịnh Thị Xuân (20,5%), bà Nguyễn Thị Xuân Mai (1,27%); ông Trịnh Hữu Đại (37,8%) và ông Nguyễn Bình Giang (4%). Trong đó, ông Nguyễn Tiến Hải (SN 1972) đồng thời là Người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty.
Trở lại với Kim Tín Group, trải qua hơn 2 thập niên hình thành và phát triển, từ xuất phát điểm là một đơn vị kinh doanh thương mại, Kim Tín đã trở thành tập đoàn đa ngành.
Cụ thể, Kim Tín Group đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ván MDF, với Nhà máy Kim Tín MDF và FSC Việt Nam công suất 500.000 m3/năm, chiếm 20% thị phần ván MDF. Hay, phải kể đến dự án nhà máy MDF Chơn Thành được đề cập ở phần đầu bài viết có công suất 500.000 m3/năm với tổng diện tích xây dựng 331.281 m2, tổng đầu tư 150 triệu USD...
Tập đoàn còn thành lập CTCP Logistics nPL (năm 2015) với mục tiêu tự chủ trong hệ thống phân phối. Đơn vị này gây ấn tượng khi sở hữu hệ thống kho bãi trải dài khắp Việt Nam với tổng diện tích 1,5 triệu m3.
Trong lĩnh vực bất động sản, thông qua CTCP Biển Phú Yên, nhóm Kim Tín Group sở hữu dự án Sala Complex tọa lạc tại số 77 – 79 đường Nguyễn Du, TP. Tuy Hoà. Dự án có tổng diện tích 16.500 m2, được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020. Hay, phải kể đến dự án Tòa nhà văn phòng Kim Tín tọa lạc tại đường Võ Văn Kiệt, Quận 1, TP. HCM.
Ngoài các lĩnh vực kể trên, nhóm Kim Tín Group còn mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo khi sở hữu các CTCP Năng lượng Xanh Kim Tín được đánh số từ 1 đến 6.
Đáng chú ý, ít ai biết doanh nhân Nguyễn Tiến Hải còn có tham vọng ở lĩnh vực dược phẩm. Theo đó, vào ngày 20/4/2019, ông được bầu làm Thành viên HĐQT CTCP Dược Trang thiết bị Y tế Bình Định (HOSE: DBD).
Tính đến tháng 7/2021, bà Trịnh Thị Xuân (vợ ông Hải) và bà Nguyễn Thị Thủy (chị ruột ông Hải) lần lượt sở hữu gần 2,8 triệu cổ phiếu DBD (tỷ lệ 4,86%) và 4,03 triệu cổ phiếu DBD (tỷ lệ 4,03%).