LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Lãi suất tiết kiệm ở vùng thấp - 'nhỉnh' hơn lạm phát 1 điểm %

16:07 10/12/2024

Dù trải qua một số đợt tăng lãi suất nhưng lãi suất tiết kiệm ngân hàng hiện vẫn ở mức thấp, chỉ nhỉnh hơn lạm phát khoảng 1 điểm % - khoảng cách tương đương với các nước phát triển.

Lãi suất tiết kiệm vẫn đang duy trì ở vùng thấp. Ảnh: Trọng Hiếu

Khảo sát lãi suất tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đối với các kỳ hạn dài 12 tháng trở lên đều chưa tới 5%/năm.

Cụ thể, VietinBank, Agribank và BIDV đang huy động lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7%/năm, trong khi Vietcombank thấp hơn là 4,6%/năm.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần đang duy trì lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động từ 5% - 6%/năm. Cá biệt một số ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi lên 8-9% khi khách hàng lớn gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.

Lãi suất huy động đang duy trì ở vùng thấp, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, dù lãi suất huy động nhích lên nhưng thị trường không xuất hiện tình trạng thu hút dòng tiền bằng việc chạy đua lãi suất cao như năm trước.

"Gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư để kỳ vọng thu khoản lợi nhuận cao, rủi ro thấp, tức thu lợi nhuận trên đồng tiền thụ động. Lãi suất tiền gửi tại các nước phát triển trên thế giới đều rất thấp, chỉ nhỉnh hơn so với chỉ số lạm phát. Ở Việt Nam, lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối dao động dưới 5%/năm. Đây là mức lãi suất rất hợp lý, chênh lệch với lạm phát khoảng 1%", ông Hiển nói.

Giới chuyên gia nhận định, lãi suất tiết kiệm sẽ có xu hướng tăng nhẹ chứ không tăng quá nóng và có thể đi ngang và giảm dần vào giai đoạn đầu năm sau, đặc biệt sau giai đoạn Tết Nguyên đán.

TS. Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng Khoa Tài chính-Ngân hàng, Đại học Đại Nam nhận định, vòng quay của tiền đồng Việt Nam còn thấp so với nhiều đồng nội tệ của các nền kinh tế cùng trạng thái. Thế nên, trong những tuần cuối cùng của năm 2024, dự báo sẽ không có câu chuyện chạy đua lãi suất.

Theo ông Nam, thời gian qua, diễn biến nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm một phần là do các ngân hàng thương mại đang thiếu thanh khoản.

Cụ thể, việc Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho phép giãn nợ đối với khoản vay đến hạn phải trả của một số đối tượng. Có nghĩa là thay vì tiền phải quay về hệ thống để ngân hàng thương mại thực hiện cho vay tiếp thì giờ vẫn đang ở đâu đó trong nền kinh tế.

Một số ngân hàng đầu tháng 12 có động thái giảm nhẹ lãi suất huy động như LPBank giảm lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1-2 tháng xuống còn 3,6% và 3,7%/năm (tương đương giảm 0,1-0,2 điểm %); giảm 0,1 điểm % lãi suất với kỳ hạn từ 6-11 tháng xuống còn 5,1%/năm.

Ngân hàng ABBank cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng giảm từ 6,3%/năm xuống còn 5,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm 15-18 tháng cũng giảm từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm. Lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên ở mức 5,8%/năm.