LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

NHNN tổ chức gặp mặt cuối năm với các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế

16:44 16/12/2024

Ngày 13/12/2024, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi gặp mặt cuối năm với các định chế tài chính tiền tệ quốc tế; các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế; Nhóm công tác ngân hàng (BWG), các tổ chức tín

Ngày 13/12/2024, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi gặp mặt cuối năm với các định chế tài chính tiền tệ quốc tế; các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế; Nhóm công tác ngân hàng (BWG), các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

NHNN tổ chức gặp mặt cuối năm với các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế

Năm 2024: “Biến động, Đổi mới, và Kiên cường”

“Năm 2024 sắp khép lại, và nếu có thể tôi muốn tóm gọn năm 2024 trong ba từ: “Biến động, Đổi mới, và Kiên cường”. Đây là những từ khóa tiêu biểu không chỉ phản ánh bức tranh kinh tế toàn cầu mà còn thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam”, Thống đốc phát biểu.

Trong một năm đầy biến động, từ những thăng trầm trên thị trường tài chính thế giới đến những căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp, sự đổi mới vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số, đã mở ra cả những thách thức lẫn cơ hội mới. Trên tất cả, tinh thần kiên cường đã giúp chúng ta duy trì ổn định và tìm thấy những lối đi sáng tạo trong bối cảnh đầy khó khăn này.

“Tại thời điểm cuối năm này, khi không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi và những dự định cho năm mới đang dần hình thành, chúng ta có cơ hội tuyệt vời để cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua và vạch ra những bước tiến mới. Tôi rất vui mừng được cùng quý vị, những đối tác tin cậy và những người bạn đồng hành thân thiết, chia sẻ khoảnh khắc đặc biệt này tại buổi gặp mặt cuối năm của NHNN”, Thống đốc nói và thay mặt NHNN gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các tổ chức và đối tác quốc tế vì đã luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam vượt qua những thử thách của một năm đầy biến động.

“Sự hiện diện của quý vị tại đây không chỉ làm ấm áp thêm bầu không khí, mà còn khẳng định mối quan hệ hợp tác bền chặt và những giá trị to lớn mà chúng ta đã cùng nhau tạo dựng”, Thống đốc khẳng định.

Năm 2024 tiếp tục mang đến nhiều thách thức cho nền kinh tế toàn cầu, với những biến động về lãi suất, căng thẳng địa chính trị và sự phát triển vượt bậc của công nghệ tài chính… Tuy nhiên, bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khu vực. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự đồng hành của các đối tác quốc tế, kinh tế trong nước đã đạt được các kết quả tích cực. Cụ thể là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, dự báo tăng trưởng GDP 2024 nhiều khả năng đạt được 7%. Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, dao động từ 3,7-4%.

Ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đã góp phần quan trọng trong việc duy trì thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số. Tính đến hết tháng 11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023, đảm bảo nguồn vốn lưu thông hiệu quả trong nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, góp phần ổn định lãi suất trên thị trường. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5-1% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Tỷ giá được duy trì ổn định trong một năm đầy biến động của thị trường tài chính quốc tế. NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động can thiệp khi cần thiết để bảo đảm ổn định thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Quá trình chuyển đổi số tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ. Đến nay, tỷ lệ giao dịch ngân hàng qua kênh số đã vượt 90% ở nhiều tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được những bước tiến lớn trong phát triển tài chính xanh và tài chính toàn diện. Số lượng tổ chức tín dụng tham gia lĩnh vực tín dụng xanh đã tăng trưởng mạnh mẽ, tăng từ 15 lên 50 tổ chức tham gia cấp tín dụng xanh, với tổng dư nợ gần 665 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt 22% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tín dụng kinh tế.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện

“Các kết quả tích cực trên có được là nhờ sự đồng hành và đóng góp không nhỏ của các tổ chức và đối tác quốc tế. Thay mặt Ban Lãnh đạo và tập thể các cán bộ NHNN, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các Quý vị đã chia sẻ và hỗ trợ NHNN trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng; qua đó, góp phần quan trọng và tích cực vào thành tựu kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, Thống đốc nhấn mạnh.

Khẳng định vị thế, tiến vào kỷ nguyên mới

Năm 2025 đang sắp đến, và giai đoạn tới sẽ là thời điểm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để chúng ta khẳng định vị thế. Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đây không chỉ là khát vọng mà còn là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội.

“Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trong nền kinh tế. NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc cho biết.

Với những tiến triển tích cực đã đạt được, NHNN sẽ tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Đồng thời, NHNN sẽ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật tiệm cận các chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và vị thế của ngành ngân hàng…

Trong kỷ nguyên mới, NHNN sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng, và với những đổi mới về thể chế đang và sắp được triển khai mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam thích nghi tốt hơn với những biến động kinh tế toàn cầu, đảm bảo hệ thống tài chính trong nước phát triển bền vững. “Chúng tôi nhận thức rằng, tăng cường hợp tác không chỉ là chiến lược để vượt qua khó khăn mà còn là chìa khóa để mở ra cơ hội phát triển. Việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế không chỉ giúp giải quyết các thách thức hiện tại mà còn đặt nền tảng cho sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong tương lai”, Thống đốc nói.

Trên tinh thần đó, Thống đốc mong muốn các đối tác quốc tế tiếp tục sát cánh cùng NHNN thông qua hoạt động đối thoại, tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo sự hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô lớn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra giám sát ngân hàng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới.

Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào gửi lời chúc mừng tới NHNN vì đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng khi trong năm 2024. Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện qua tỷ lệ lạm phát ở mức thấp; môi trường lãi suất ở mức tương đối thấp, và tỷ giá hối đoái tương đối ổn định… Đặc biệt, nền kinh tế tiếp tục thể hiện khả năng chống chịu mạnh mẽ trước những rủi ro toàn cầu, được hỗ trợ bởi hiệu suất vững mạnh của các ngành xuất khẩu, dòng vốn FDI và nhu cầu nội địa ổn định. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 dự kiến sẽ vượt xa kết quả của năm 2023, nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và toàn cầu.

Trong lĩnh vực ngân hàng, đã thực hiện một số biện pháp quan trọng để xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn, thông qua việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng vào tháng 1/2024. Điều này đã giúp NHNN giải quyết các thách thức tồn đọng liên quan đến nợ xấu (NPLs) và các tổ chức tín dụng yếu kém. Trong tương lai, Việt Nam có thể tận dụng tối đa những nỗ lực này để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định tài chính. Nhìn về phía trước, ngành ngân hàng sẽ cần đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi xanh và thúc đẩy tài chính toàn diện. Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

“Nhóm Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật toàn diện của chúng tôi, với mục tiêu cuối cùng là tăng cường hệ thống ngân hàng và giảm thiểu rủi ro để hỗ trợ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào mối quan hệ đối tác lâu dài với NHNN và cam kết tiếp tục phát triển, nâng tầm quan hệ này”, bà Mariam Sherman nói và khẳng định: “Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong hơn 30 năm qua và chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ chính phủ thông qua cả đầu tư và tri thức để giải quyết những thách thức trong những năm tới”.

Ông Kojima Masao - Tổng giám đốc Ngân hàng MUFG - Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng (BWG) Ông Kojima Masao - Tổng giám đốc Ngân hàng MUFG - Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng (BWG)

Thay mặt Nhóm công tác ngân hàng (BWG), ông Kojima Masao - Tổng giám đốc Ngân hàng MUFG - Chủ tịch BWG, trong phát biểu đã có những chia sẻ về những thành tựu đạt được trong năm 2024 và tầm nhìn hợp tác trong tương lai. Theo đó, năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong khung pháp lý của lĩnh vực ngân hàng. Cùng với việc ban hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, NHNN đã nhanh chóng hoàn thiện nhiều văn bản hướng dẫn triển khai luật mới, bao gồm khoảng 50 nghị định và hơn 40 thông tư. Trong quá trình này, NHNN đã tích cực tham vấn và tiếp thu ý kiến từ các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp nhằm đảm bảo các văn bản cuối cùng mang tính thực tiễn và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. “Thông qua sự hợp tác chặt chẽ và đối thoại cởi mở, chúng tôi đã giải quyết thành công 13 vấn đề kỹ thuật lớn trong năm 2024. Các vấn đề kỹ thuật còn lại cũng đang được thảo luận và từng bước xử lý… Chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực này và kỳ vọng lĩnh vực ngân hàng sẽ đạt được nhiều bước tiến trong thời gian tới. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, với các sửa đổi nhằm tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro và nâng cao sự ổn định của ngành ngân hàng, dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường”, Chủ tịch đương nhiệm BWG cho biết.

Hướng tới năm 2025, ông Kojima Masao khẳng định Nhóm công tác ngân hàng cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với NHNN để giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; Chuyển đổi xanh, hỗ trợ NHNN trong việc thúc đẩy các thực hành tài chính bền vững và hỗ trợ ngành ngân hàng Việt Nam tuân thủ các mục tiêu khí hậu toàn cầu; Tích cực tham gia xây dựng chiến lược số hóa toàn diện cho ngành ngân hàng, đảm bảo Việt Nam duy trì vị trí dẫn đầu trong đổi mới dịch vụ tài chính; Làm việc với NHNN để thúc đẩy phát triển các hệ thống thanh toán hiệu quả và toàn diện, mở rộng tài chính toàn diện và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

“Trong năm 2025, chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa các cơ chế hợp tác hiện có với NHNN, tiếp tục trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với NHNN để đưa ngành ngân hàng Việt Nam lên tầm cao mới”, Chủ tịch BWG nhấn mạnh.