LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Những điểm yếu 'chết người' của ứng viên kinh nghiệm khi đi tìm việc

16:04 08/11/2023

(NLĐO) - Dù ứng viên giữ vị trí cao, nhiều năm kinh nghiệm nhưng năng lực chưa tương xứng và 'lệch pha' với nhu cầu nhà tuyển dụng.

Thiếu hụt kỹ năng là một trong những vấn đề lớn nhất mà người lao động đang đối mặt. Khảo sát về "Nỗi sợ hãi và hy vọng của lực lượng lao động toàn cầu năm 2023" của PwC (văn phòng quận 1, TP HCM), cho thấy nhiều nhân viên chưa có ý thức cấp bách về việc nâng cấp kỹ năng. Họ nhận ra trong vòng 5 năm tới, kỹ năng công việc sẽ thay đổi, nhưng còn ngần ngại học hỏi.

Những điểm yếu chết người của ứng viên kinh nghiệm khi đi tìm việc - Ảnh 1.

Gặp gỡ, kết nối với nhà tuyển dụng, chuyên gia tại các sự kiện việc làm để tăng cơ hội nghề nghiệp (Ảnh minh họa)

Việc không nâng cấp bản thân khiến người lao động có nguy cơ bị tụt hậu trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường lao động. Nhất là với những nhân sự nhiều năm kinh nghiệm, thậm chí đã giữ vai trò quản lý trong tổ chức.

Dù đi làm nhiều năm và được thăng chức nhưng năng lực chưa tương xứng, và "lệch pha" với thực tế đòi hỏi. Do đó, khi đi tìm việc mới, không dễ đáp ứng yêu cầu.

Ông Trần Phước Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty CP Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (The Coffee House, TP HCM), chỉ ra những điểm yếu có thể nhận diện của các ứng viên này:

Kỹ năng không phù hợp: Chưa đáp ứng được các kỹ năng cần thiết của vị trí mới do ít tự trau dồi, nâng cao năng lực và tư duy lối mòn. 

Thiếu kiến thức mới: Không cập nhật những kiến thức, công nghệ, hoặc xu hướng mới nhất trong lĩnh vực của mình. Điều này khiến họ trở nên "lạc nhịp" và hạn chế khả năng cạnh tranh trong môi trường làm việc hiện đại.

Khả năng thích ứng và học hỏi kém: Phần nào quá tự tin vào vị trí cao của mình nên không đầu tư đủ thời gian, nỗ lực để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Vì thế, họ khó đáp ứng được các thay đổi và yêu cầu mới trong công việc.

Khả năng quản lý và lãnh đạo không tốt: Do đảm nhận chức danh quản lý nhờ vào quá trình công tác lâu năm hoặc may mắn đi lên từ vị trí trống kế thừa nên có thể chưa được đào tạo bài bản về quản trị, lãnh đạo.

Theo ông Trần Phước Tuấn, một môi trường làm việc không có sự cải tổ, cập nhật quy trình, công nghệ mới cũng phần nào khiến người lao động trì trệ và thiếu cơ hội phát triển. "Điều quan trọng là ứng viên nhận ra những hạn chế của bản thân, chấp nhận thay đổi để có thể thích ứng với yêu cầu công việc ngày càng đa dạng, khắt khe" - ông Tuấn kết luận.