LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Nữ nhà giáo tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy

15:57 21/11/2023

Xuất thân là nhà giáo nhưng lại có tầm nhìn và định hướng sâu rộng, nữ nhà giáo Lê Thị Bích Dung đã tiên phong nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới vào trong giảng dạy, giúp hệ thống Trường liên cấp Newton trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số ngành giáo dục tại Hà Nội.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Nhadautu.vn có dịp chia sẻ với bà Lê Thị Bích Dung (SN 1959), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm đồng sáng lập hệ thống Trường liên cấp Newton.

Ước mơ từ nhỏ là trở thành nhà giáo, cả cuộc đời người phụ nữ này luôn nỗ lực để xây dựng một hệ thống trường liên cấp hiện đại, góp phần đào tạo cho các mầm non tương lai của đất nước.

Nhà giáo có đam mê lớn với sự nghiệp giáo dục

Xuất thân là một giảng viên đại học, dạy môn Toán cao cấp và lập trình, ít ai biết rằng, người phụ nữ với công việc tưởng chừng khô khan ấy lại có một trái tim cháy bỏng và nhiệt huyết với nghề, luôn khát khao được truyền cảm hứng học tập cùng năng lượng tích cực đến với các thế hệ học sinh.

Ước mơ được đứng trên bục giảng đã đến với bà Dung ngay từ khi bà còn nhỏ. Khi học cấp 2, nữ sinh Lê Thị Bích Dung ngày ấy đã tình nguyện đăng ký tham gia lớp dạy chữ cho những người chưa đi học tại một số khối (phường) ở Hà Nội để xóa nạn mù chữ, đồng thời thỏa mãn niềm đam mê trở thành cô giáo của mình.

Le-Thi-Bich-Dung-1 (1) Nhà giáo Lê Thị Bích Dung đứng lớp giảng dạy cho học sinh. Ảnh: NVCC

"Nhớ ngày đó tôi đang học lớp 8 nhưng vì yêu thích nghề giáo viên nên đã xung phong đi dạy để xoá nạn mù chữ. Lần đầu chạm vào ước mơ của mình nên tôi rất lúng túng, không biết xưng hô với những người mình dạy ra sao, bởi họ đều lớn tuổi hơn tôi.

Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó tôi đã làm quen dần và cảm rất vui khi bản thân giúp được các học viên biết học chữ và làm được những phép tính đơn giản", Bà Dung chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Máy tính tại Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia), bà trở thành giảng viên dạy môn Toán, dạy lập trình tại Đại học Mỏ - Địa chất và có hơn 13 năm gắn bó tại đây.

Sau đó, nhà giáo này có 12 năm sang Nga làm nghiên cứu sinh, đồng thời làm thêm kinh tế để góp tiền thực hiện ước mở của mình. Năm 2008, khi trở về từ nước ngoài, bà Lê Thị Bích Dung nghĩ ngay đến việc đầu tư hệ thống giáo dục của riêng mình và trở lại nghề dạy học mà bản thân vẫn luôn yêu thích. Đây chính là thời điểm Trường liên cấp Newton ra đời.

Không ngừng nỗ lực, đưa "đứa con tinh thần" vượt khó khăn

Thuở đầu thành lập trường, nữ giáo viên gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn đầu tiên là thuê địa điểm. Khi ấy, kinh tế thiếu thốn, bà Lê Thị Bích Dung phải thuê điểm đặt trường tại khu bể bơi tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) để mở 15 phòng học nhỏ.

Đến giữa năm 2009, trường tổ chức lễ khai giảng đầu tiên với 71 học sinh đầu cấp: 45 học sinh lớp 10, 14 học sinh lớp 6 và 12 học sinh lớp 1. Các năm tiếp theo số lượng học sinh có tăng nhưng không đáng kể bởi địa điểm nhà trường thuê gần như biệt lập với khu dân cư, ít người biết đến.

Thời điểm đó, học sinh ít nên số lượng giáo viên cũng không nhiều để dự phòng. Mỗi khi giáo viên có việc thì bà Dung phải đứng lớp dạy thay, ôn tập cho học sinh môn Toán để lớp không bị trống giờ.

Cơ sở vật chất kém cũng là điều băn khoăn của nhiều phụ huynh. Nhiều cha mẹ bày tỏ sự lo ngại khi con cái không được học tập trong ngôi trường khang trang. Đứng trước sự khó khăn ấy, bà Dung cùng HĐQT nhà trường quyết tâm tìm kiếm khu đất mới để xây dựng một ngôi trường đàng hoàng, hiện đại.

Le-Thi-Bich-Dung-2 Không ngừng nỗ lực, đưa "đứa con tinh thần" vượt khó khăn. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, nhà giáo Lê Thị Bích Dung cũng quyết định đầu tư, nâng cao chất lượng dạy học để bù vào phần cơ sở vật chất còn đang hạn chế. Nghĩ là làm, bà quyết định nghiên cứu, đưa chương trình tiếng Anh liên kết nước ngoài vào nhà trường. Thời điểm đó, Newton là một trong những trường ngoài công lập đưa tiếng Anh liên kết nước ngoài vào nhà trường sớm nhất.

"Ngoài chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT thì chương trình học riêng của trường là môn Tiếng Anh. Thời điểm đó, nhà trường phải thử nghiệm qua nhiều bộ sách Tiếng Anh nước ngoài nên tôi luôn phải theo sát để lắng nghe ý kiến từ giáo viên, phụ huynh và học sinh để rút kinh nghiệm và kịp thời thay đổi cho phù hợp", bà Dung cho hay.

Với sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng, nữ nhà giáo đã nhận được những "trái ngọt". Sau khi đổi địa điểm cùng nâng cấp chất lượng giáo dục, Newton nhận được nhiều sự quan tâm từ các bậc phụ huynh. Do đó, trong khai giảng năm thứ hai tại địa điểm mới, trường đón thêm hơn 120 học sinh mới đầu cấp và ghi dấu ấn tại các kỳ thi học sinh giỏi với hơn 20 giải học sinh giỏi cấp quận.

Đến năm thứ ba (năm 2011), trường có học sinh khối 12 khóa đầu tiên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học với những thành công tốt đẹp. Trường xếp hạng 2 thứ 17 trong tổng số 245 trường THPT tại Hà Nội và nằm trong top 150 trong 2.700 trường THPT có điểm thi đại học cao nhất toàn quốc.

Với sự cố gắng của toàn cán bộ nhân viên nhà trường, chất lượng giáo dục của Trường Newton ngày một tốt hơn. Số lượng học sinh đến thời điểm hiện nay đã "cán mốc" 7.200 học sinh tại 3 cơ sở ở Hà Nội.

Không những thế, kết quả học sinh tốt nghiệp THPT luôn trong top cao của Hà Nội, học sinh đỗ trường chuyên khi tốt nghiệp THCS cũng là những dấu ấn tự hào. Ngoài ra, số lượng hàng năm nhà trường có học sinh thi học sinh giỏi đạt thành tích khá lớn. Ví dụ: Năm học 2022-2023 có khoảng 6.000 giải học sinh giỏi cấp quận, thành phố, quốc gia và quốc tế.

Đi đầu đổi mới sáng tạo trong dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục

Theo Phó Chủ tịch HĐQT Lê Thị Bích Dung, quá trình sáng lập và điều hành hệ thống Trường liên cấp Newton suốt 15 năm qua chưa bao giờ là dễ dàng. Chia sẻ về những khó khăn khi đầu tư trong lĩnh vực, nữ nhà giáo cho hay, những thách thức trong giáo dục luôn túc trực tùy vào từng thời điểm, đòi chúng ta phải luôn có phương án đổi mới, thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Theo bà Dung, nếu ngày trước, cơ sở vật chất hạn chế là thách thức vô cùng lớn với các trường, thì ngày nay là vấn đề đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và ứng xử với sự phát triển như "vũ bão" của công nghệ thông tin.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, với tầm nhìn hội nhập quốc tế, bà Lê Thị Bích Dung đã định hướng Newton tập trung đào tạo và các môn Ngoại ngữ, Toán và Công nghệ thông tin. Nhờ "đi tắt đón đầu" với công nghệ nên khi dịch COVID-19 bùng phát, nhà trường vẫn đảm bảo duy trì việc giảng dạy mà không ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

"Khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, chúng tôi luôn trăn trở việc duy trì thế nào cho học sinh tiếp nhận kiến thức và nhịp độ học. Do đó đó, Trường Newton quyết định triển khai dạy và học online, qua đó nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn cũng như phụ huynh học sinh.

Là ngôi trường đầu tiên ở Hà Nội dạy học online vào thời điểm đó nên chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong cả việc quản lý và giảng dạy. Để quản lý học sinh tốt hơn, giáo viên cũng phải tăng thời lượng dạy học. Tôi đã phải liên tục động viên mọi người đồng lòng vượt qua khó khăn, tất cả vì học sinh thân yêu.

Le thi bich dung Nhà giáo Lê Thị Bích Dung nhận bằng khen trong lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: NVCC

Trải qua nhiều lần triển khai, tìm hiểu và rút kinh nghiệm khi dạy học online, nhà trường đưa được các tiết dạy online tương tác với học sinh gần như trên lớp khiến học sinh hào hứng và hiểu bài hơn. Từ đó, nhà trường nhanh chóng chuyển đổi số theo tiêu chí của Sở GD&ĐT Hà Nội", bà Dung chia sẻ.

"Thách thức luôn song hành với cơ hội, bởi nếu nỗ lực cố gắng để vượt qua các khó khăn thì sẽ thấy cơ hội ở ngay trước mắt chúng ta", đó chính là quan niệm làm nghề của nhà giáo Lê Thị Bích Dung. Hiện nay dù dịch đã qua đi nhưng Hệ thống Trường liên cấp Newton vẫn đang triển khai rộng rãi hình thức dạy và học online với tất cả các lớp, các khối.

Bên cạnh việc tập trung xây dựng các buổi học online với chất lượng tương đồng như dạy trực tiếp trên lớp, nhà trường cũng đang triển khai "Lớp học thông minh" để học sinh được kết nối với các chuyên gia công nghệ thời đại số như ChatGPT, Bing, Google,... Điều này sẽ giúp các em học sin có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với kho tàng kiến thức rộng lớn, sáng tạo và vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn để phát triển tư duy.

Theo nữ nhà giáo, sự đổi mới trong cách dạy học của Trường Newton vẫn còn nhiều điều cần phải tối ưu, hoàn thiện để mang đến kết quả tốt nhất, nhưng bà hy vọng rằng đây sẽ là một cú "hích" để các trường đua nhau đổi mới hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số giáo dục.

"Tôi hiểu rằng, đối với công nghệ thông tin, ngày mai có thể đã có cái khác tối ưu hơn, hay hơn thay thế. Phải cập nhật và cập nhật liên tục. Vì lẽ đó, trong 3 năm gần đây, Trường Newton như một ngôi trường mà nơi đó có sự học tập và đổi mới liên tục, không chỉ của các em học sinh mà còn của các thầy cô, trong đó có cả những giáo viên già như tôi", nhà giáo Lê Thị Bích Dung khẳng định.