LIÊN MINH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Tầng 3, Toà 35 Hùng Vương, P. Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Đề xuất cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

16:10 11/12/2024

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, đề xuất cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.

(TBTCO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, đề xuất cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.

Theo đó, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này.

Đề xuất cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội Ảnh minh họa

Cụ thể như sau: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995: mức bình quân tiền lương = tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu chia cho 60 tháng.

Lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000: mức bình quân tiền lương = tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu chia cho 72 tháng.

Lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006: mức bình quân tiền lương = tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu chia cho 96 tháng.

Lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015: mức bình quân tiền lương = tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu chia cho 120 tháng.

Lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019: mức bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm (180 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu chia cho 180 tháng.

Lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024: mức bình quân tiền lương = tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm (240 tháng) cuối trước khi nghỉ hưu chia cho 240 tháng.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi: mức bình quân tiền lương = tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng chia cho tổng số tháng đóng BHXH.

Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH = tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của các tháng đóng bảo hiểm xã hội, chia cho tổng số tháng đóng BHXH.

Trường hợp lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương = (tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định + tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của các tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định), chia cho tổng số tháng đóng BHXH.

Trong đó, tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, được tính bằng tổng số tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, nhân với mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Trường hợp người lao động có từ 2 giai đoạn trở lên, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính theo quy định trên./.

Số năm cuối là số năm gần nhất đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Tổng số tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là tổng số các tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của các giai đoạn.