Trong vòng một năm, tôi hai lần được cầm trên tay những cuốn sách về kiến thức tài chính dành cho thanh thiếu niên. Đó là cuốn “Khôn khéo với tiền, tránh những ưu phiền”, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành (12/2023) của tác giả Lê Thị Thúy Sen và “Tài chính cá nhân dành cho bạn trẻ” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành (12/2024) của tác giả Lâm Minh Chánh. Mặc dù không còn trẻ, nhưng khi đọc xong, tôi thầm nghĩ, giá như mình được tiếp cận những kiến thức tài chính phổ thông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì tốt biết mấy.
“Khôn khéo với tiền, tránh những ưu phiền”, của tác giả Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước được viết dưới dạng truyện tranh. Sau một năm phát hành, đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy của Nhà xuất bản Kim Đồng và trở nên quen thuộc với độc giả. Còn cuốn “Tài chính cá nhân dành cho bạn trẻ” của Lâm Minh Chánh thì đang "thơm mùi giấy mới". Lâm Minh Chánh vốn đã quen thuộc với độc giả, bởi ông chính là tác giả cuốn sách best seller (bán chạy) “Tài chính cá nhân dành cho người Việt”. Ông dành nhiều tâm huyết viết cuốn sách dành cho thanh thiếu niên từ 12 -21 tuổi, với mong muốn giúp các bạn trẻ xây dựng nền tảng kiến thức về tài chính để biết cách quản lý và làm chủ tiền bạc của mình. Vốn nổi tiếng với biệt danh “Chú Ba tài chính” trên mạng xã hội, Lâm Minh Chánh chia sẻ rằng, ông truyền tải kiến thức cá nhân dành cho lứa tuổi teen phải bằng ngôn ngữ... “chú Ba”. Với văn phong giản dị, những kiến thức về tài chính cá nhân dễ dàng được bạn đọc tiếp nhận.
"Công thức vàng trong quản lý tài chính cá nhân" mà tác giả Lâm Minh Chánh đưa ra. Ảnh chụp màn hình“Chú Ba tài chính” có profile “khủng”: Tốt nghiệp MBA hạng ưu trường UTS với học bổng AusAID; kinh nghiệm 20 năm làm quản lý cấp cao tại các tập đoàn nước ngoài và 15 năm khởi nghiệp; Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni; Chủ nhiệm chương trình CEO cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp; tư vấn viên, mentor, thành viên ban giám khác các chương trình: Shark Tank Việt Nam, Starup Wheels;… Với khả năng “thực chiến”, tác giả Lâm Minh Chánh đã nêu ra các nguyên tắc vàng trong quản lý tài chính cá nhân: Tổng thu nhập phải lớn hơn tổng chi tiêu; kiếm tiền với công suất cao nhất, thu nhập càng cao càng tốt; ưu tiên chi tiêu cho “nhu cầu”, giảm chi tiêu cho “mong muốn”; quản lý thu nhập (tích lũy 20%, chi tiêu 50%, chi tiêu mong muốn 30%); quản lý nợ, tránh nợ “tiêu cực”; lập kế hoạch ngân sách để quản lý tài chính cá nhân; đầu tư càng sớm càng tốt; hướng đến độc lập, tự do tài chính.
Nhắm tới thanh thiếu niên, nên Lâm Minh Chánh chủ động dẫn dắt độc giả đến các khái niệm về: Tiền; tài chính cá nhân; Tại sao bạn trẻ nên học tài chính cá nhân? bằng ngôn ngữ, hình ảnh, ví dụ minh họa dễ hiểu. Ông nêu ví dụ, bạn Duy và bạn An cùng 16 tuổi nhưng một bạn có kỹ năng tài chính cá nhân, một bạn ngược lại. Với số tiền tiêu vặt hàng tháng, bạn Duy tiêu hết veo và phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ còn bạn An thì có quỹ tài chính an toàn dành cho những phát sinh ngoài ý muốn.
Hiểu giá trị của tiền bạc, xây dựng thói quen tiết kiệm, tránh nợ nần, lập kế hoạch tài chính, tăng cường khả năng độc lập, giáo dục gia đình, chuẩn bị cho tương lai là lý do để các bạn trẻ nên học hỏi, hiểu biết về tài chính cá nhân. Bởi, người giàu và người nghèo đều cần kiến thức tài chính cá nhân và kỹ năng quản lý tài chính.
Biết “lập ngân sách” là một kỹ năng trong quản lý tài chính cá nhân. Ảnh chụp màn hìnhĐầu tư là gì? Lợi nhuận và rủi ro trong đầu tư cũng được tác giả dẫn dắt thông qua việc hỏi, đáp. Khi bạn Hùng hỏi chú Ba, có nên đầu tư khi còn trẻ không thì câu trả lời là “có”. Đầu tư khi còn trẻ giúp bạn có thời gian để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Đầu tư sớm giúp tiền của bạn có thời gian tăng trưởng nhờ vào lãi suất kép. Hiểu rõ về đầu tư và nên bắt đầu từ những khoản nhỏ, học hỏi dần và tránh những rủi ro không đáng có. Các công cụ đầu tư là gì? Gửi tiết kiệm ở ngân hàng; chứng chỉ quỹ đầu tư; quỹ hưu trí tự nguyện; cổ phiếu; trái phiếu doanh nghiệp; vàng; đầu tư bất động sản; tiền mã hóa (Cryptocurrency)… cũng được tác giả nêu và phân tích cụ thể.
Khi nhắc đến đầu tư, không thể không nhắc đến các khái niệm về tỷ suất lợi nhuận; lãi suất 1 kỳ; lãi suất đơn; lãi suất kép… Thông qua các công thức, bạn trẻ dễ dàng tính được hiệu quả đầu tư. “Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của loài người. Những ai hiểu được nó sẽ nhận được giá trị to lớn từ nó. Những ai không hiểu nó, sẽ trả giá vì nó”, là câu nói của Albert Einstein được tác giả trích dẫn để cho thấy quả ngọt trong đầu tư và những rủi ro luôn đi kèm.
Các mục tiêu tài chính cá nhân: An toàn tài chính, độc lập tài chính, tự do tài chính. Để đạt được điều này, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, người trẻ cần có sự hiểu biết về tài chính cá nhân. Khi đã có hiểu biết nhất định, hành trang bước vào tương lai sẽ vững vàng hơn. Để khi đứng trước những quyết định lớn lao trong cuộc đời như “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, người trẻ sẽ có hành xử đúng đắn. Có lẽ vì thế, ở phần cuối cuốn sách, “Chú Ba tài chính” bonus thêm một số nội dung quan trọng như: Tập trung mua tích sản, hạn chế mua tiêu sản; mua hay thuê nhà; bảo hiểm nhân thọ; casino; trader với những ví dụ minh họa như câu chuyện tích sản của bạn Nam và tiêu sản của bạn Nam; bài toán tài chính so sánh giữa mua nhà và thuê nhà…