Kiều hối luôn được xem là nguồn vốn quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ giúp ổn định cuộc sống người dân mà còn hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định lượng kiều hối về Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng so với nguồn lực hiện nay vì thiếu chính sách khuyến khích đặc thù cho đầu tư.
Kiều hối tăng cao
Theo thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến hết năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng thời kỳ. Nếu tính cả năm 2023, lũy kế đạt khoảng 206 tỷ USD.
Hiện nay có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có khoảng 2,8 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ với TP.HCM, mỗi năm lượng kiều hối chuyển về địa phương này chiếm 50% tổng mức kiều hối chuyển về của cả nước.
Từ năm 2012 - 2023, lượng kiều hối về TP.HCM qua các kênh ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, công ty kiều hối đạt hơn 65 tỷ USD, tăng trung bình 3 - 7%/năm.
WB dự báo kiều hối về Việt Nam đến cuối năm 2024 có thể đạt 14,4 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết riêng trong nửa đầu năm nay, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 5,2 tỷ USD, giúp Việt Nam liên tục đứng trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Trong thời gian tới, kiều hối sẽ vẫn giữ đà tăng và còn cao hơn các năm trước.
Chia sẻ với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu đánh giá, lượng kiều hối về Việt Nam trong thời gian tới còn tăng mạnh nhờ nhiều yếu tố đang hỗ trợ.
Động lực đầu tiên là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, dòng vốn có thể dịch chuyển khỏi các tài sản bằng đồng USD vì lợi suất giảm. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các thị trường mới nổi hoặc các nước đang phát triển, nơi có lợi suất đầu tư cao hơn, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, quý cuối năm là thời điểm kiều bào ở nước ngoài gửi tiền về cho gia đình để đầu tư, mua sắm, đón Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Vì vậy, giai đoạn này, kiều hối sẽ tăng lên đáng kể so với các thời điểm khác trong năm.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho Việt kiều tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy nguồn kiều hối vào thị trường địa ốc. Trong đó, việc mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều là một trong những điểm mới nổi bật của Luật, gỡ bỏ rào cản pháp lý cũng như khẳng định quyền sở hữu bất động sản bình đẳng cho Việt kiều. Nhờ đó, thị trường bất động sản kỳ vọng nguồn kiều hối sẽ trợ lực mạnh trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đến cuối năm 2024 có thể đạt 14,4 tỷ USD. Theo ước tính, trung bình 3 năm gần đây, Việt Nam đã nhận tới 17 - 18 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
Hình thành kênh dẫn vốn từ kiều hối
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều địa phương chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút và phát huy nguồn lực từ kiều hối.
Một trong những trở ngại lớn nhất, theo nhiều chuyên gia, là khả năng tận dụng dòng tiền kiều hối. Phần lớn lượng kiều hối gửi về vẫn chủ yếu dùng cho mục đích tiêu dùng cá nhân hoặc hỗ trợ gia đình, ít đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hay các kênh đầu tư hiệu quả hơn như thị trường chứng khoán, bất động sản, hoặc các dự án phát triển hạ tầng. Điều này khiến việc tận dụng dòng vốn tiềm năng từ kiều hối bị hạn chế và không tạo được nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Một trở ngại khác là việc thiếu các chính sách khuyến khích đặc thù cho đầu tư từ kiều bào, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao hay khởi nghiệp.
Để thu hút nguồn vốn kiều hối nhiều hơn cho phát triển kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị trước mắt cho phép gửi tiết kiệm ngoại tệ tính lãi suất khoảng 1 - 2%/năm thay vì mức 0% như hiện nay. Với mức tỷ giá tăng hằng năm từ 3 - 5% thì mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với lãi suất tiết kiệm tiền Đồng, đảm bảo tiền Đồng vẫn hấp dẫn.
Về lâu dài, ông Hiếu cho rằng chính quyền địa phương có thể thực hiện phát hành trái phiếu thu hút nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt... Hiện, nhiều kiều bào muốn đóng góp xây dựng phát triển quê hương nhưng không biết tiếp nhận thông tin như thế nào.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết việc Thành ủy TP.HCM thông qua đề án về chính sách kiều hối giai đoạn 2024 - 2030, với hệ thống các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối sẽ là yếu tố chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi để phát huy nguồn lực này, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.
Cụ thể, để tháo gỡ những nút thắt, khơi thông dòng chảy kiều hối, mới đây, TP.HCM đã triển khai một số chính sách mới được kỳ vọng sẽ thu hút lượng kiều hối hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, ngày 27/9, UBND TP.HCM phê duyệt Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030.
Trong đó, TP.HCM đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.
TP.HCM cũng đưa ra giải pháp hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như: quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất vừa và nhỏ, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài... để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt từ nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối.
Ngoài ra, TP.HCM còn định hướng huy động kiều hối vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong một hội nghị về thu hút kiều hối gần đây, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc hướng dòng kiều hối vào các kênh đầu tư dài hạn như thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hay đầu tư vào các công trình công cộng như bệnh viện, trường học là vô cùng cần thiết. Các quỹ đầu tư từ kiều hối, chẳng hạn như quỹ kiều hối bất động sản hoặc quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng từ dòng tiền kiều hối, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
TP.HCM cũng đề xuất phát hành trái phiếu với thời hạn 5 năm hoặc 10 năm nhằm thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế…
Thanh Hoa